Cơ hội thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành giao thông
Kinh tế - Ngày đăng : 06:05, 11/06/2014
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: SGGP |
- Có thông tin Trung Quốc cấm DN của họ đấu thầu mới dự án vào Việt Nam, thưa ông?
- Vấn đề này chưa có nguồn thông tin chính thức. Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. DN, nhà đầu tư của ta có thể hoạt động ở bất cứ đâu trong nước và cả nước ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được quyền vào làm ăn, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam cũng là nước có nhiều tiềm năng. Nếu có việc chính quyền Trung Quốc cấm các DN nước này tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, thì trước hết là họ tự loại đi một thị trường tốt, DN của họ bị thiệt vì các đơn vị này đầu tư vào Việt Nam là trên cơ sở hội nhập, cùng làm ăn, cùng hưởng lợi. Còn với Việt Nam, việc này không ảnh hưởng gì vì nếu DN Trung Quốc không tham gia đầu tư thì nhường cơ hội cho các nhà thầu nước ngoài khác tham gia.
- Vậy nhà thầu Việt Nam có đủ mạnh để thực hiện các hợp đồng xây dựng giao thông lớn ở nước ta?
- Nhà thầu Việt Nam đủ mạnh, đủ lớn để thực hiện các dự án giao thông hiện nay. Với việc tiếp cận khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế, có thể nói, ngành giao thông đã tiếp cận rất tốt. Công nghệ làm cầu, làm đường của ta đã tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến.
- Giả sử nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện dự án rút khỏi Việt Nam, Bộ GT-VT sẽ đối phó với hiện tượng này như thế nào?
- Vốn đầu tư cho giao thông ở nước ta hiện tại từ nhiều nguồn khác nhau, vốn của Trung Quốc là phần rất nhỏ. Cụ thể có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam, trong đó đã thực hiện được gần một nửa. Tôi đánh giá, nguồn vốn của Trung Quốc chưa chắc đã phải là rẻ vì người ta cho mình vay thì người ta phải có lãi và mình cũng phải tính toán nếu thấy có lợi thì mới vay. Không chỉ với nhà đầu tư Trung Quốc, với tất cả các nhà đầu tư khác cũng vậy, Việt Nam hoàn toàn chủ động mọi phương án triển khai. Tôi cho rằng, các nhà thầu, DN Trung Quốc đều không muốn rút về nước. Họ muốn tiếp tục ở Việt Nam làm ăn bởi môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam rất tốt, đặc biệt là tình hình an ninh, chính trị ổn định.
- Người dân Thủ đô quan tâm đến tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay hiện giờ ra sao?
- Dự án này đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay nên tất nhiên là các nhà thầu Trung Quốc đang tham gia. Còn việc nhà thầu của họ có rút hay không thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến Việt Nam. Trước hết, nếu họ rút thì phần họ đang làm dở không thanh toán được. Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn… Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành giao thông nhanh hơn nên dư luận không phải lo lắng, băn khoăn.