Liên thông thủ tục hành chính về đất đai: Khắc phục những bất cập

Đời sống - Ngày đăng : 05:11, 10/06/2014

(HNM) - Thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai luôn đi liền với công chứng, song từ trước đến nay người dân thường phải tự mang hồ sơ đi thực hiện tại các cơ quan khác nhau.



Nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân và bảo đảm công tác quản lý của cơ quan nhà nước, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Đề án Liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.

Đề án Liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế được thông qua là điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Ảnh: Linh Ngọc


Hạn chế tiêu cực

Theo quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện chuỗi thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất phải qua 3 lần nộp hồ sơ tại 3 cơ quan, với hầu hết các thành phần hồ sơ giống nhau. Chưa kể, những lần phải xuất trình bản chính để đối chiếu tại một số cơ quan. Chẳng hạn như, phải nộp bản sao có công chứng các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các giấy tờ khác liên quan tại tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và trong hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính; phải xuất trình bản chính các giấy tờ theo quy định để đối chiếu khi thực hiện công chứng và khi nhận đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất, tài sản gắn liền với đất…

Điều đáng nói là, có nhiều thành phần giấy tờ, hồ sơ trong chuỗi thủ tục không cần thiết vì trước đó cá nhân, tổ chức đã nộp và xuất trình trong khi thực hiện công chứng hợp đồng và thủ tục tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Cụ thể là bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký trong hồ sơ thủ tục giao dịch bảo đảm (đã có thông tin nhân thân trong hợp đồng giao dịch); bản sao các giấy tờ khác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính (gồm quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giấy tờ mua, bán, tặng, cho, thừa kế nhà đất trong khi đã có phiếu chuyển thông tin địa chính của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường). Ngoài ra, một số giấy tờ do cơ quan nhà nước cấp phát song lại yêu cầu người dân phải kê khai như tờ khai tiền sử dụng đất, tờ khai tiền thuê đất, tờ khai lệ phí trước bạ, tờ khai thuế chuyển quyền sử dụng đất, chứng từ đã nộp tiền thuê đất...

Để khắc phục tình trạng nêu trên, một số tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã tự liên kết với nhau để liên thông về thủ tục giữa công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế. Nhưng, do hoạt động liên thông chưa được thể chế hóa dẫn đến phát sinh tiêu cực trong hoạt động công chứng và đăng ký quyền sử dụng đất, còn Nhà nước thì bị thất thu thuế.

Lựa chọn một đầu mối

Dự thảo Đề án Liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế do Bộ Tư pháp xây dựng nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có nhiều cơ hội lựa chọn hình thức thực hiện thủ tục liên quan. Theo dự thảo, ngoài việc cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thủ tục theo cách hiện hành, còn có thể lựa chọn đến duy nhất một đầu mối để nộp hồ sơ và nhận kết quả đó là tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thực hiện TTHC, luân chuyển hồ sơ đến cơ quan, tổ chức hữu quan để giảm gánh nặng chi phí tuân thủ TTHC cho cá nhân, tổ chức. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ do tổ chức hành nghề công chứng chuyển đến và xử lý theo thẩm quyền, đồng thời chuyển kết quả giải quyết cho tổ chức hành nghề công chứng để trả người dân theo đúng thời gian quy định.

Mô hình liên thông này áp dụng đối với nhóm thủ tục: Đăng ký biến động trong trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Thời gian thực hiện tối đa là 21 ngày làm việc, trong đó, công chứng hợp đồng, giao dịch là 2 ngày; 1 ngày chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký; 5 - 15 ngày tiếp nhận, giải quyết thủ tục tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và không quá 3 ngày giải quyết thủ tục về nghĩa vụ thuế tại cơ quan thuế. Mức phí dịch vụ thực hiện liên thông sẽ được Bộ Tài chính quy định thống nhất để tránh áp dụng tùy tiện, bảo đảm thực hiện thống nhất tại các tổ chức hành nghề công chứng và có căn cứ để thu thuế.

Dự kiến, khi đề án được thông qua, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thực hiện thí điểm mô hình liên thông giữa cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế, tổ chức hành nghề công chứng tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (từ tháng 10-2014 đến tháng 12-2015). Trong thời gian thí điểm, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan sẽ chủ động rà soát TTHC, văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế và đề xuất phương án hoàn thiện mô hình liên thông, tiến tới triển khai đại trà từ tháng 6-2016.

Hoàng Sơn