Tiếp tục thí điểm mô hình “hai trong một”
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:50, 09/06/2014
Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần giảm tải cho hệ thống bệnh viện (BV), mới đây, Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn thí điểm mô hình BSGĐ tại 8 tỉnh, thành phố (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7).
Mô hình bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần giảm tải cho hệ thống bệnh viện. Ảnh: Thuận Thắng |
Chăm sóc sức khỏe lâu dài
Mô hình bệnh tật ở nước ta hiện nay là mô hình kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao trong khi nhóm bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng lớn. Xuất phát từ thực tiễn đó, theo kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, việc phát triển mô hình BSGĐ là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải cho các BV.
Tại nhiều nước, mô hình BSGĐ góp phần xử lý sớm các vấn đề bệnh tật, dự phòng và duy trì sức khỏe cho từng cá nhân trong gia đình và cộng đồng. Ở nhiều quốc gia, BSGĐ có thể xử lý đến 90% các loại bệnh tật và sự can thiệp sớm của họ là giải pháp an toàn, giúp phòng tránh các loại biến chứng và hạn chế di chứng về sau. Từ năm 2000, nước ta đã triển khai thí điểm mô hình BSGĐ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cho đến nay, cả nước đã có 7 trường đại học đào tạo BSGĐ và có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa I BSGĐ đã tốt nghiệp. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho rằng, mô hình BSGĐ, phòng khám BSGĐ này hoàn toàn khác với việc bác sĩ đến khám tại nhà. Bởi lẽ, việc khám tại nhà chỉ mang tính nhất thời, còn BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, có tính cộng đồng cao. Tại thông tư liên quan mà Bộ Y tế vừa ban hành cũng có điều khoản cụ thể mà theo đó, BSGĐ có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện cho cá nhân, gia đình…; đồng thời sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng…
Đánh giá về việc phát triển mô hình BSGĐ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, theo kết quả khảo sát tại một số phòng khám BSGĐ trên địa bàn Thủ đô, tỷ lệ hài lòng của người bệnh là khá cao, sự phối hợp giữa người bệnh và nhân viên y tế được tăng cường, người bệnh được khám sàng lọc tại địa phương, giảm chi phí đi lại. Trong năm 2014-2015, mục tiêu mà ngành y tế Hà Nội đề ra là xây dựng thí điểm ít nhất 20 phòng khám BSGĐ trên toàn thành phố. Giai đoạn 2016-2020, tại các BV, trung tâm y tế sẽ có ít nhất một phòng khám BSGĐ; mạng lưới phòng khám BSGĐ ngoài công lập sẽ được mở rộng.
Mô hình "hai trong một"
Theo mô hình hoạt động, người bệnh đến với phòng khám BSGĐ sẽ được bác sĩ lập hồ sơ bệnh án điện tử. Bệnh nhân được theo dõi kỹ lưỡng, từ việc tiêm chủng đến phòng bệnh, khám chẩn đoán phát hiện thông thường. Với những ca bệnh nặng thuộc lĩnh vực chuyên sâu, bệnh nhân sẽ được phòng khám chuyển đến chuyên khoa của các BV tuyến trên để được khám và điều trị. Từ tính chất hoạt động nói trên, các chuyên gia y tế cho rằng việc mở rộng mạng lưới BSGĐ là giải pháp quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe suốt đời cho người dân, hạn chế tình trạng tự ý khám chữa bệnh vượt tuyến dẫn đến quá tải. Tất cả phòng khám BSGĐ công lập, giá dịch vụ khám chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, các đơn vị tư nhân được quyền tự quyết định giá nhưng giá dịch vụ phải được niêm yết công khai.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, công việc của BSGĐ khác với công việc của các bác sĩ trong BV. BSGĐ giải quyết được nhiều vấn đề về sức khỏe, bệnh tật xảy ra đồng thời trên một bệnh nhân; chăm sóc toàn diện, liên tục đối với từng cá nhân, cả gia đình trong suốt thời kỳ ốm đau và cả trong giai đoạn phục hồi cũng như khi khỏe mạnh; phát hiện các vấn đề của bệnh nhân ở giai đoạn sớm... BSGĐ là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, nếu họ làm tốt công việc của mình thì chi phí mà người bệnh phải chi trả sẽ thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt, các phòng khám BSGĐ cũng được phép thực hiện việc khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Với những vai trò ấy, khi mạng lưới BSGĐ phát huy hiệu quả thì tất yếu các BV sẽ có thời gian khám chữa bệnh cho các ca bệnh nặng, đúng với vai trò điều trị chuyên sâu. Nói một cách khác, về hiệu quả, BSGĐ là mô hình "hai trong một", vừa giúp nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh vừa giúp giảm tải BV.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân chưa hiểu đúng về chức năng và phạm vi hoạt động của BSGĐ. Gần đây, Đại học Y Hà Nội đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của gần 1.600 người. Trong số được hỏi, có 26,4% trả lời đã từng nghe nói về BSGĐ và chỉ một nửa trong số đó hiểu đúng và đủ về vai trò và lợi ích của mô hình này. Do không hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của BSGĐ nên chỉ cần hắt hơi, sổ mũi là nhiều người bổ đến BV. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân quan trọng khác gây ảnh hưởng đến việc phát triển mô hình BSGĐ ở nước ta, đó là thực trạng quản lý thuốc còn hạn chế. Người dân có thể mua thuốc thoải mái mà không cần có đơn bác sĩ và bởi vậy, rất nhiều người có xu hướng tự điều trị, bỏ qua việc khám bệnh.
Mô hình BSGĐ sẽ được thí điểm ở 8 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang) trong thời gian tới. Tuy nhiên, mô hình đó có thể được nhân rộng thành công trong tương lai gần hay không? Câu trả lời nằm ở việc thực hiện giải pháp liên quan của cơ quan quản lý, bao gồm việc tuyên truyền, vận động và bảo đảm cho mô hình vận hành theo đúng mục tiêu đã đề ra, bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh.