Học làm nhà văn khó hay dễ?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:26, 08/06/2014

(HNM) - Đầu tháng 6, Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du - Hội Nhà văn Việt Nam có thông báo mở lớp bồi dưỡng viết văn khóa VIII (dự kiến khởi động vào trung tuần tháng 8).



Cũng thời điểm này, Khoa Viết văn - báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) công bố chiêu sinh lớp sáng tác và thẩm bình văn chương khóa IV (dự kiến từ ngày 4-8 đến 16-8-2014). Còn một đơn vị tư nhân là Công ty Truyền thông Hà Thế thì cũng phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội mời gọi các cây bút chuyên, không chuyên, biên tập viên, nhà báo, giáo viên… tham dự lớp Sáng tác và thẩm bình văn chương - nâng cao (dự kiến mở vào trung tuần tháng 6).

Thoáng nhìn, thấy cả 3 đơn vị này cơ bản đều chọn mùa hè để chiêu sinh. Trong đó, Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du là đơn vị có thâm niên nhất, lại mang vị thế của Hội Nhà văn Việt Nam. Còn Khoa Viết văn - báo chí do nhà văn, nhà phê bình Văn Giá phụ trách cũng là một địa chỉ đào tạo chính thống, có lợi thế về tài liệu, lực lượng giảng viên… Khóa đào tạo của Hà Thế và Hội Nhà văn Hà Nội thì do nhà văn Võ Thị Xuân Hà (lãnh đạo Công ty Hà Thế, Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Đối tượng chiêu sinh của các lớp cơ bản cũng từa tựa nhau. Đến nay, trong thông báo chỉ có Khoa Viết văn - báo chí (Đại học Văn hóa) là công bố rõ tên tuổi các nhà văn, nhà phê bình sẽ tham gia giảng dạy.

Thấy mừng vì người viết văn, làm báo, giảng dạy văn chương ở ta có thêm những chốn bồi dưỡng về nghề viết cũng như nghề thẩm bình, truyền đạt cái hay, cái đẹp của văn chương. Mừng nữa là thơ văn cũng có người bỏ tiền túi ra học. Mà lối dạy truyền nghề thực tế đã tạo ra sự cộng hưởng cho những cây bút lăn lộn với đời sống, với trang viết…

Nhưng, xưa nay ta vẫn nói, nghề văn không phải cứ dạy là được, cứ học là thành. Thẩm bình văn chương thực ra cũng có một phần quan trọng của sự nhạy cảm, tài năng chứ không hẳn chỉ là kiến thức và kỹ thuật. Mà nghề văn lắm khi nghiệt ngã, tàn nhẫn đến độ nó chả đoái hoài đến sự chăm chỉ theo các lớp bồi dưỡng của các cây bút… Mở ra các lớp truyền nghề cũng hay, nhưng mở sao cho khỏi chồng chéo lên nhau, để bổ sung lẫn nhau cũng là một thách thức. Và nữa, các khóa học hoàn toàn không phải là thứ "xây ảo ảnh" văn chương cho những người cần mác "nhà văn" hay xem văn chương như là "mốt".

Học làm nhà văn, dễ hay khó có lẽ là tùy thuộc ở mỗi người vì mấy lẽ ấy!

Người Lái Đò