Cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học về Biển Đông
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:24, 08/06/2014
Mới đây, anh lại khiến nhiều người phải ngỡ ngàng trong một vai hoàn toàn mới - tác giả của ca khúc "Đảo xa" với giai điệu mượt mà nói về tình yêu biển đảo quê hương. Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà khoa học trẻ đa tài này.
Tiến sĩ Lê Thanh Hải (người thứ hai, hàng thứ nhất từ phải sang). |
- Trong chuyến thăm Trường Sa vừa qua không ít người phải trầm trồ khi nghe anh thể hiện bài hát "Đảo xa" do chính mình sáng tác. Anh có thể giới thiệu vài điều về tác phẩm mới này không?
- Tôi đã có ý tưởng sáng tác bài hát này từ ngày 9-12-2007, cũng là ngày xảy ra biểu tình phản đối Trung Quốc lần đầu tiên ở Việt Nam. Tôi đã thức cả đêm theo dõi việc này và cập nhật thông tin từng giờ. Ý tôi nói ở đây không phải là bài hát mang tính cổ động mà là một giai điệu êm ái nhẹ nhàng để mọi người chia sẻ với nhau một cách thư thái. Ý tưởng đã có sẵn cho đến một ngày, trong lúc chạy xe máy từ Hà Nội vào Sài Gòn và dừng chân ở Cửa Lò, tôi thấy hình ảnh bình minh cùng con tàu ra khơi và một cậu bé ngồi trên mũi. Khi ấy tôi nghĩ rằng mình cũng giống cậu bé đó không biết lúc ra biển sẽ gặp những gì, sóng gió, bão bùng hay tàu lạ. Và tự nhiên, dòng ca từ cứ tự động chảy về. Tôi hoàn thành bài hát trong vài giờ của buổi sáng đó. Tuy nhiên, cho tới đợt vừa rồi về Hà Nội, ngay trước khi tham gia chuyến thăm quần đảo Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, tôi mới gặp được anh Đức Tân, giảng viên Đại học Văn hóa quân đội nhờ anh làm hòa âm dựa trên cơ sở hệ thống cấu trúc nhạc tôi đã viết ra và nhờ ca sĩ Trà My thể hiện. Tôi cảm thấy vui khi được hát bài hát của mình, thể hiện tình yêu biển đảo quê hương ở ngay trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
- Ngay trước chuyến thăm Trường Sa, anh đã được biết đến với vai trò điều phối trong hội thảo "Tranh chấp biển đảo ở bờ Tây Thái Bình Dương - Khảo sát và giải pháp" tại Đại học Oxford (Anh). Anh có thể đánh giá ý nghĩa của hội thảo này trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông?
- Đây là lần đầu tiên vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam được chính thức đưa ra giới khoa học trên thế giới. Các nước khác cũng nhiệt tình tham gia chất vấn về vấn đề này. Đó là lý do tại sao đến phút cuối tôi mới quyết định tham gia chuyến đi Trường Sa vừa rồi. Nói về quá trình chuẩn bị cho hội thảo, trước đây, tôi có bằng tiến sĩ về Việt Nam học, nghiên cứu rất nhiều vấn đề của Việt Nam, từ tâm linh cho đến các vấn đề chính trị văn hóa, xã hội... Nhưng vấn đề Biển Đông nổi cộm lên. Nghiên cứu sâu hơn thì tôi mới phát hiện ra rằng, trên thế giới chưa có nghiên cứu khoa học nào về Biển Đông nhìn từ góc độ Việt Nam. Dù báo chí và các nhà lãnh đạo ở trong nước đã nói rất nhiều về vấn đề này nhưng đối với ngành khoa học thì chưa rõ giá trị. Khoa học thì phải dựa trên sách, dựa trên nghiên cứu, bằng chứng, số liệu, dữ liệu khoa học... Để có được những luận chứng thuyết phục, nhóm nghiên cứu từ Ba Lan do tôi đứng đầu đã làm việc liên tục từ đầu năm, khởi đầu bằng buổi trao đổi trước công chúng được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan - Châu Á ở Warszawa vào tháng 4-2013. Sau đó, các vấn đề sơ khởi được in thành sách trong khuôn khổ Trung tâm Thử nghiệm đối thoại Ba Lan - Châu Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan và giới thiệu rộng rãi đến giới nghiên cứu, sinh viên, chính khách, công chúng quan tâm đến Việt Nam và Đông Á tại Ba Lan. Từ công trình này, nhóm chuyên gia Ba Lan đã được dự án thành lập Khoa Đông Nam Á học của ĐH Oxford mời sang dự hội thảo quốc tế. Phải nói rằng, số nhà khoa học các nước quan tâm tới vấn đề này rất nhiều. Trong hội thảo họ cũng chất vấn thẳng thắn. Và hôm đó, thành công khi khẳng định được chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã khiến tôi xúc động vô cùng. Nội dung hội thảo dự kiến được tiếp tục hoàn thiện để ra mắt thêm một tập sách mới. Đây sẽ là quyển sách tiếng Anh đầu tiên nói về vấn đề Biển Đông nhìn từ góc độ Việt Nam.
- Theo anh Việt Nam cần phải làm gì để có thể tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học trên thế giới trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo?
- Điều đáng chú ý ở đây là các nhà khoa học làm việc dựa trên sách. Đa số các quyển sách hiện nay hoặc do người Trung Quốc viết bằng tiếng Anh, hoặc do các chuyên gia tiếng Anh đọc sách Trung Quốc viết ra. Như vậy, vô hình trung những quyển sách này đều theo cái nhìn của Trung Quốc. Để thay đổi cục diện, mình phải có nhiều nghiên cứu khoa học về biển đảo công bố bằng tiếng Anh nhìn từ góc độ của Việt Nam. Hiện tại, số lượng các nhà khoa học Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế. Tôi hy vọng trong thời gian tới, thực trạng này sẽ được cải thiện.
- Xin cảm ơn anh!