Nguy cơ tái nghèo vẫn cao

Chính trị - Ngày đăng : 06:17, 08/06/2014

(HNM) - Hàng chục nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đã được đầu tư cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo, nhưng chênh lệch giàu nghèo gia tăng, một bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo.



Đó là một trong các vấn đề "nóng" Quốc hội (QH) tập trung mổ xẻ trong ngày 7-6 khi xem xét báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.

Dạy nghề trồng nấm cho nông dân, đã xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bảo Lâm


Người nghèo sợ thoát nghèo!

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, thành tựu giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã đạt mức chuẩn quốc gia, một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế. Điển hình là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 (theo chuẩn cũ), xuống 9,6% năm 2012 (theo chuẩn giai đoạn 2011-2015). Nhưng, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể, nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng tỷ lệ cận nghèo lại tăng mà chưa có giải pháp khắc phục. Tiếp nữa, chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê cho thấy, hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (năm 2002) lên 9,4 (năm 2012). Hiện đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Các vùng có tỷ lệ nghèo cao là miền núi Tây Bắc (28,55%), miền núi Đông Bắc (17,39%) và Tây Nguyên (15%).

Điều gì khiến hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào XĐGN, hàng chục luật, nghị quyết, hàng trăm quy định của QH, Chính phủ đã được ban hành để hỗ trợ người nghèo nhưng giảm nghèo vẫn thiếu bền vững? Qua giám sát, ĐB Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh) cho biết, có hiện tượng người nghèo có sức khỏe tốt nhưng không muốn làm việc. Vì vậy, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết cắt bỏ chính sách khi người nghèo và hộ nghèo không chấp hành các điều kiện Nhà nước đưa ra và không có ý thức thoát nghèo vì sợ mất trợ cấp. Đồng thời, nâng mức vay tín dụng, giảm lãi suất, kéo dài thời hạn vay, giảm thủ tục phiền hà, kèm theo tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để những người có ý thức vươn lên nhanh chóng thoát nghèo.

ĐB Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình) phản ánh, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp như điện sáng, muối ăn, dầu hỏa, công cụ sản xuất, tín dụng, ưu đãi... đã tạo ra tư tưởng ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên cho một nhóm bà con. Từ thực tế địa phương, ĐB Lê Phước Thanh (Đoàn Quảng Nam) kiến nghị phân loại người nghèo thành 4 nhóm: Nhóm có khả năng sản xuất nhưng thiếu vốn, kỹ năng lao động; nhóm bị ảnh hưởng thiên tai, bệnh tật; nhóm không có khả năng lao động như người già, người có công; nhóm có khả năng lao động nhưng lười lao động. Từ đó, sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp và hạn chế tâm lý "xin được nghèo".

Còn theo các ĐB Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng), Võ Kim Cự (Đoàn Hà Tĩnh), hệ số nhà nghèo tăng đều, năm 2002 là 2,1 lần, năm 2006 là 8,4 lần, năm 2012 là 9,4 lần. Mức hưởng thụ các loại dịch vụ y tế, giáo dục giữa tầng lớp các địa bàn dân cư cũng ngày càng rộng ra, tạo sự bất công trong việc hưởng thụ phúc lợi xã hội. Chính phủ cần có những chính sách, biện pháp hiệu quả hơn để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, không chạy theo thành tích. ĐB Thân Đức Nam cho rằng, trước mắt nên thay đổi phương thức tổ chức, sản xuất nông nghiệp, chuyển bộ phận lao động nông nghiệp, đặc biệt là lao động làm việc trong các hộ sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc sang các ngành nghề phi nông nghiệp nhằm tạo ra việc làm ổn định cho người nghèo. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp để họ đầu tư vào khu vực nông thôn. Bởi thực tế, doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này do rủi ro cao, lợi nhuận thấp.

Thanh niên nông thôn học nghề sửa chữa điện tử tại Trung tâm Dạy nghề Phương Nam. Ảnh: Gia Hiếu


Sẽ có chuẩn nghèo mới

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận, trong hỗ trợ người nghèo vừa qua có tình trạng chính sách còn dàn trải, thiếu thực tế, ai nghèo cũng được hỗ trợ. Điều này đã làm cho hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc phản tác dụng, khuyến khích người nghèo lười lao động. Người đứng đầu Bộ KH&ĐT đồng tình với quan điểm của nhiều ĐBQH, việc hỗ trợ giúp đỡ người nghèo là việc làm nhân đạo nhưng về lâu dài, phải tạo ra động cơ, động lực để người nghèo thoát nghèo. Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi tiêu chuẩn hộ nghèo (hiện, thành thị thu nhập 500.000 đồng/người/tháng; nông thôn 400.000 đồng/ người/tháng) vì đã áp dụng cho cả một giai đoạn, hằng năm không có sự điều chỉnh theo trượt giá. Do đó, dù thoát nghèo nhưng thực tế nhiều hộ vẫn không đủ sống. Mặt khác, cần nghiên cứu xây dựng chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều mới đạt mục tiêu bảo đảm an sinh tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, giảm nghèo bền vững. Cũng cần rà soát, phân loại và chuyển số nghèo kinh niên sang nhóm bảo trợ xã hội; có chính sách tuyên dương, hỗ trợ những người thoát nghèo trước thời hạn, có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Đồng ý với hướng đổi mới nêu trên, song ĐB Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình), ĐB Lê Thị Yến (Đoàn Phú Thọ), ĐB Nguyễn Thị Hương Thảo (Đoàn Hải Dương) chung quan điểm, giảm nghèo có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cách triển khai. Hiện, nhiều chương trình giảm nghèo cơ chế tổ chức thực hiện còn chồng chéo, manh mún, nhiều chi phí trung gian dẫn đến đồng vốn đến tay người nghèo chưa được như mong muốn. Nếu không xem xét, rà soát chính sách, sắp xếp lại theo hướng tập trung, giảm bớt văn bản để hệ thống chính sách giảm nghèo có độ bao phủ rộng, rõ thời gian, đối tượng thì hiệu quả giảm nghèo còn chưa bền vững; nơi cần vốn thì chưa có; nơi chưa cần và khi chưa cần thì lại có. Cùng một loại vốn nhưng quá nhiều cấp, ngành, đoàn thể quản lý mà lại không chặt chẽ.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng:
Cần ban hành nghị quyết về giảm nghèo bền vững
Trên cơ sở thảo luận của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH sẽ xây dựng dự thảo, kiến nghị QH ban hành Nghị quyết về "Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020". Nghị quyết tập trung vào việc ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội…

ĐB Nguyễn Thu Anh (Đoàn Lâm Đồng):
Hỗ trợ 62 triệu đồng, 60 tháng lương vẫn không hút được bác sĩ về huyện nghèo
Tại tỉnh Yên Bái, những bác sĩ mới ra trường về bệnh viện tỉnh sẽ được hỗ trợ 62 triệu đồng. Còn nếu tình nguyện lên hai huyện nghèo Mù Cang Chải và Trạm Tấu, hoặc vào các khoa lao, tâm thần được hỗ trợ thêm 60 tháng lương cơ bản nhưng vẫn chưa có bác sĩ trẻ mới ra trường nào tình nguyện về. Thiếu bác sĩ, thiếu thiết bị khám chữa bệnh khiến người nghèo khi mắc bệnh chỉ có vượt tuyến điều trị mới đáp ứng được nhu cầu và phải trả một chi phí y tế tương đối cao nên đã nghèo càng nghèo hơn.
Bách Sen ghi

Hà Phong