Thiếu quy định nên khó xử lý?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:10, 08/06/2014
Thực tế chứng minh, công tác quản lý, tổ chức lễ hội khó có thể đạt hiệu quả cao khi dùng phương pháp, mệnh lệnh hành chính, vì thế những "người trong cuộc" cho rằng, đã đến lúc các ngành chức năng cần thay đổi tư duy quản lý, mỗi người dân cần thay đổi nhận thức về giá trị, ý nghĩa và cách ứng xử để lễ hội đẹp hơn.
Đốt vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Khánh Nguyên |
Ứng xử vẫn lệch lạc
"Mùa" cao điểm của lễ hội truyền thống năm 2014 đã khép lại với những kết quả được đánh giá là có sự chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những năm trước. Mặc dù vậy, một số bất cập, hạn chế tồn tại dai dẳng vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Phạm Xuân Phúc phản ánh, hiện tượng đốt đồ mã ở di tích, lễ hội vẫn còn nhiều, thậm chí có nơi còn tổ chức hầu đồng, bày cả giàn đồ mã cúng tế, rồi đốt "cung tiến" thần linh. Dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, lễ hội tuy có giảm nhưng chưa hết. Người dân đã có ý thức hơn trong việc đặt tiền giọt dầu, tiền công đức nhưng vẫn còn tình trạng thả tiền vào gốc cây, giắt tiền vào tay tượng... Cũng theo ông Phạm Xuân Phúc, hình thức công đức bằng hiện vật không phù hợp với di tích ngày càng phổ biến, làm ảnh hưởng tới không gian trang nghiêm cổ kính của di tích, lễ hội, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa. Buồn hơn, trước bia khắc tên những người phát tâm công đức ở một số di tích còn đặt bát hương, khách thập phương về cứ thấy bát hương là đặt tiền, thắp hương, khấn vái. "Vì hiểu biết không đầy đủ, nhiều người đã thờ cúng, vái lạy chính những người trần mắt thịt đang sống", ông Phạm Xuân Phúc cho hay. Đồng tình với phản ánh của Thanh tra Bộ VH,TT& DL, đại diện Sở VH,TT&DL Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Lào Cai… cũng thừa nhận tình trạng đốt đồ mã, rải tiền lẻ trong các lễ hội lớn tuy giảm rất nhiều, nhưng chưa thể khắc phục ngay được. Việc tiếp nhận công đức, xử lý hiện vật "lạ" vào di tích vẫn là câu chuyện dài, rất khó giải quyết.
Tình trạng buôn bán, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong di tích, lễ hội giảm hẳn trong mùa lễ hội năm 2014 phần nào khẳng định sự phối hợp giữa ngành VH,TT&DL với Ngân hàng Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng bước đầu đạt hiệu quả. Tuy nhiên, các hành vi ứng xử với di tích, lễ hội sao cho đúng mực, thể hiện tấm lòng thành của một bộ phận người dân vẫn có phần lệch lạc.
Thiếu chế tài xử lý việc đổi tiền lẻ, đốt đồ mã
Trên thực tế, bất kỳ ai đến di tích, lễ hội cũng có thể nhìn thấy hiện tượng đổi tiền lẻ, đốt đồ mã vì các hoạt động này diễn ra tương đối công khai. Thế nhưng, việc xử lý lại không dễ dàng vì chế tài vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Phạm Xuân Phúc cho biết, Nghị định 103/2009/NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ về văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng có nội dung cấm đốt đồ mã nơi công cộng nhưng lại không cấm sản xuất, vận chuyển đồ mã nên cung và cầu vẫn "gặp nhau". Đến Nghị định 158/2013-NĐ-CP (có hiệu lực từ năm 2014), Chính phủ cho phép xử phạt đốt đồ mã ở những nơi không đúng quy định, nhưng lại không quy định rõ những nơi nào không được đốt đồ mã. Tương tự, Công văn số 9478/NHNN-PHKQ ngày 18-12-2013 của Ngân hàng Nhà nước mới dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân không tổ chức đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, lễ hội, chứ chưa có chế tài xử phạt. "Trên thực tế, nơi nào ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ hội buông lỏng quản lý thì hoạt động trao đổi tiền mệnh giá nhỏ ở nơi đó diễn ra công khai, nhộn nhịp. Muốn giải quyết triệt để hiện tượng này, các cơ quan chức năng phải xây dựng chế tài xử phạt, chứ không đơn giản là tuyên truyền, vận động như hiện nay", ông Phạm Xuân Phúc kiến nghị.
Nhận thức rõ việc đốt đồ mã là lãng phí, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ đã giao cho Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án khoa học về các giải pháp hạn chế đốt vàng mã tại di tích, lễ hội. Sau khi hoàn thành, đề án sẽ được ứng dụng thí điểm tại một số lễ hội lớn trước khi nhân rộng. Nói về đề án đặc thù này, TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho hay: "Để hạn chế sự lãng phí trong việc đốt đồ mã, vàng mã, trước hết các nhà quản lý cần trao đổi với các cơ sở thờ tự, mời sư trụ trì hoặc những người có trách nhiệm trông coi di tích tham gia tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của việc đốt vàng mã nói riêng, việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội nói chung"…
Trước hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm nhằm nhìn nhận, đánh giá những mặt được và chưa được của lễ hội, ngày 28-5, Bộ VH,TT&DL và Bộ Nội vụ đã ký kết ban hành Thông tư liên tịch "Hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng". Dư luận kỳ vọng thông tư và các giải pháp hạn chế đốt vàng mã tại di tích, lễ hội do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đang triển khai xây dựng sẽ là những "cẩm nang" quản lý, tổ chức lễ hội cho những năm tiếp theo.
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai: Thiếu cẩm nang hướng dẫn Tôi cho rằng, điểm yếu nhất trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở nước ta hiện nay là thiếu cẩm nang hướng dẫn, thiếu văn bản mang tính quy phạm pháp luật để xử lý những sai phạm. Những người có vai trò quản lý, tổ chức lễ hội ở địa phương phải tự mày mò, học hỏi rồi tự rút kinh nghiệm. Nếu có mô hình quản lý lễ hội tốt, đề nghị Bộ VH,TT&DL phổ biến rộng rãi cho các địa phương học tập. Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL: Không thể đổ hết lỗi cho dân Từ góc độ thanh tra, chúng tôi nhận thấy chỉ có một bộ phận người dân có điều kiện mua thật nhiều đồ mã để đốt, và cũng chỉ có một số ít người có khả năng cung tiến hiện vật có giá trị kinh tế nhưng lại không phù hợp với di tích. Thế nhưng, thanh tra chúng tôi chỉ có trách nhiệm thấy sai thì nhắc nhở hoặc yêu cầu tháo dỡ, chứ không có chức năng điều tra đến cùng những hiện vật "lạ" đó là của ai. Vì thế, chúng ta không thể đổ lỗi cho dân, vì nhận thức đôi khi còn hạn chế, khiến di tích, lễ hội còn những điều chướng tai gai mắt. |