Cơ hội để chúng ta khẳng định sự tự chủ của nền kinh tế
Xã hội - Ngày đăng : 05:56, 08/06/2014
Đặc biệt, vào thời điểm này, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những diễn biến mới ở Biển Đông đòi hỏi ngành nông nghiệp Thủ đô phải phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, góp phần tăng tính tự chủ cho nền kinh tế.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về những kết quả đạt được trong thời gian qua cùng hoạch định phát triển của ngành trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ. |
Đã có hình hài của nền nông nghiệp hiện đại
2010-2015 là nhiệm kỳ đầu tiên sau khi Hà Nội thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính. Đây là nhiệm kỳ có nhiều kỳ vọng Thủ đô được bổ sung thêm những điều kiện cần thiết để phát triển ngành nông nghiệp quy mô, hiện đại, xứng tầm so với cả nước. Đến thời điểm này, sự kỳ vọng đó có trở thành hiện thực, thưa ông?
- Nền nông nghiệp Thủ đô sau khi hợp nhất có quy mô lớn, diện tích sản xuất nông nghiệp tới hơn 188.600ha, với điều kiện tự nhiên đa dạng và hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh so với cả nước; bên cạnh đó, Hà Nội có nguồn lao động dồi dào đồng thời là trung tâm khoa học kỹ thuật lớn của toàn quốc... Đây là những lợi thế không phải địa phương nào cũng có được.
Sau khi hợp nhất, đặc biệt trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, chúng ta đã xây dựng và hoàn thành được hàng loạt quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phòng chống lũ cho các tuyến sông; Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi; Quy hoạch cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; Quy hoạch chăn nuôi; Quy hoạch thủy sản... Đây là cơ sở quan trọng để có thể triển khai các đề án, chương trình: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; Sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; Phát triển nuôi trồng thủy sản; Phát triển vùng chè chất lượng cao... đặc biệt là Đề án xây dựng nông thôn mới. Với nỗ lực của các cấp, ngành và sự ưu tiên đầu tư của thành phố, trong những năm qua, hình hài của một nền nông nghiệp hiện đại đã hiện rõ với quy mô sản xuất lớn hơn, sản phẩm có năng suất, chất lượng và hàm lượng chất xám cao hơn.
- Vậy người tiêu dùng Thủ đô đã thụ hưởng những gì từ nền nông nghiệp của mình và chúng ta có thể tự hào với bạn bè về những sản vật nào có xuất xứ Thủ đô?
- Là trung tâm khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, chúng ta đã tận dụng lợi thế có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao như sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (25.000ha); sản xuất rau an toàn (4.500ha); phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo vùng, xã trọng điểm... Bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất và chất lượng cao như lúa hàng hóa chất lượng cao tại Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ; rau an toàn tại Văn Đức (Gia Lâm), Thụy Hương (Chương Mỹ); trồng cây ăn quả đặc sản tại Quốc Oai, Hoài Đức; trồng hoa tại Mê Linh, Phúc Thọ, Từ Liêm; nuôi trồng thủy sản tập trung tại Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Người tiêu dùng Thủ đô hoàn toàn có thể tin tưởng và tự hào về các sản vật như gạo nếp cái hoa vàng, cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, gà Mía... Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm tại Ba Vì với tổng đàn hơn 10.000 con, cùng đàn gia cầm hơn 25 triệu con (lớn nhất cả nước). Đặc biệt, thành phố đã có Trạm ấp nở gia cầm Đại Xuyên (Phú Xuyên), mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 50 triệu con giống...
Chất lượng cuộc sống được cải thiện
- Thưa ông, nếu tính theo tỷ trọng nền kinh tế thì ngành nông nghiệp đóng góp không nhiều, đơn cử như năm 2013, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt hơn 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 22% so với năm 2008). Trong khi đó, có tới hơn 4 triệu cư dân sống ở khu vực nông thôn. Làm sao để bảo đảm và nâng cao đời sống người dân khu vực ngoại thành, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn?
- Đúng là so với các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại… đóng góp của nông nghiệp đối với nền kinh tế Thủ đô còn khiêm tốn. Nhưng với hơn 4 triệu người (chiếm 57% dân số Hà Nội) sống ở khu vực nông thôn, thì việc phát triển ngành nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, ngành nông nghiệp đã và đang giải quyết việc làm cho người dân ở 18 huyện ngoại thành; thứ hai cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố và các tỉnh bạn trong cả nước, tiến tới có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn, triển khai thực hiện nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Do đó chất lượng cuộc sống của người dân khu vực ngoại thành đã không ngừng được cải thiện.
- Ông có thể dẫn chứng một số ví dụ cụ thể?
- Điển hình là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh phí chúng ta đầu tư lũy kế đến hết quý I/2014 là 16.815,059 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là hơn 5.236 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 7.381 tỷ đồng; ngân sách xã hơn 556 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 1.849 tỷ đồng. Thời điểm này Hà Nội đã có 50 xã đạt cả 19 tiêu chí nông thôn mới (cả nước có 100 xã). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ mức 8,2 triệu đồng/năm (2008) lên 23,7 triệu đồng/năm (2013). Khu vực nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5% (năm 2008 là 9,27%; năm 2013 còn 2,6%).
- Đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện là sự nỗ lực lớn của thành phố. Song, dường như người nông dân vẫn chưa thể làm ăn lớn, chưa thể làm giàu từ đồng ruộng của mình. Phải chăng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất của thành phố vẫn còn những vấn đề bất cập khiến người dân khó tiếp cận, thưa ông?
- Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho thành phố xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn. Người nông dân cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang được thụ hưởng lợi ích. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tác động của các cơ chế, chính sách trong cuộc sống thì cần phải có độ trễ thời gian nhất định. Bên cạnh đó, tôi thừa nhận có một số vấn đề vướng mắc cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ ví dụ như việc hỗ trợ người nông dân thực hiện cơ giới hóa sản xuất, hay kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung... Cùng với đó cũng có nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế khó khăn nên việc thực hiện một số chính sách bị ảnh hưởng.
- Nguồn kinh phí từ ngân sách hiện đang rất khó khăn, liệu điều đó có ảnh hưởng tới kết quả triển khai công tác dồn điền đổi thửa - một trong những khâu đột phá xây dựng nông thôn mới, thưa ông?
- Nói không ảnh hưởng thì không đúng. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương đã rất sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chỉ tiêu thành phố giao. Cho đến thời điểm này, chúng ta đã thực hiện được 96% diện tích có thể dồn đổi và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về công tác này. Sau dồn điền đổi thửa, vấn đề tích tụ ruộng đất đã và đang được thực hiện. Ở nhiều nơi đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp.
- Vâng, đây là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành nông nghiệp Thủ đô. Song số lượng mô hình và những điển hình tiên tiến, nhất là số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả chưa nhiều, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, việc tổ chức nhân ra diện rộng còn hạn chế...
- Thực hiện được dồn điền đổi thửa là một thành công rất lớn, tạo tiền đề để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai mô hình sản xuất quy mô lớn, đầu tư hiện đại, cho năng suất, chất lượng, thu nhập cao. Tuy nhiên, điều này cần có thêm thời gian. Sau dồn điền đổi thửa, đến nay các địa phương đã bắt đầu chuyển đổi phát triển sản xuất được 9.319ha; trong đó, diện tích phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm 401ha; trồng trọt 3.426ha; thủy sản 1.826ha... Chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014-2020 cùng các chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề. Hiện nay, chúng tôi đang xin ý kiến về việc chủ thể thực hiện xây dựng vùng chuyên canh để báo cáo thành phố. Theo quan điểm của chúng tôi, việc này nên giao cho Sở NN&PTNT còn việc đầu tư hạ tầng thì giao các địa phương thực hiện.
Những vấn đề cần làm để tạo sự bứt phá
- Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn. Thế nhưng, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của chúng ta hiệu quả chưa cao?
- Đây là hạn chế mà ngành nông nghiệp phải khắc phục trong thời gian tới. Hiện, thành phố đã đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Yên Nghĩa (Hà Đông) với diện tích khoảng 100ha. Đây sẽ là điểm ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để triển khai các mô hình nhân rộng ra toàn địa bàn. Ngoài ra, thành phố đang mời gọi các doanh nghiệp, nhà khoa học tích cực nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học tạo ra cây trồng, con giống có hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy, hiện chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì hiệu quả thấp, trong khi rủi ro cao. Với bà con nông dân, do chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nên việc phát triển các mô hình có quy mô lớn rất khó. Vì vậy, thành phố cần nghiên cứu và tăng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trong thời gian tới.
- Thưa ông, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc lo “đầu ra” đối với các sản phẩm nông nghiệp.
- Hà Nội đã có quyết định thành lập trung tâm xúc tiến thương mại. Bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2014, trung tâm đã giới thiệu được nhiều sản phẩm nông nghiệp Thủ đô với bạn bè quốc tế và các địa phương trong cả nước, đồng thời là cầu nối, đưa các sản phẩm có chất lượng cao của các nơi vào tiêu thụ tại Hà Nội. Định hướng của thành phố là sẽ cung cấp các giống cây, con chất lượng, hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương bạn. Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố đang xây dựng Trung tâm thủy sản chất lượng cao để cung cấp con giống cho thị trường. Đặc biệt là thành phố đang chuẩn bị thành lập Chi cục Kiểm định chất lượng nông thủy sản để bảo đảm sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp đối với người tiêu dùng.
- Thưa ông, tình hình căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua có ảnh hưởng, tác động như thế nào đến ngành nông nghiệp Thủ đô?
- Tôi nghĩ, với nông nghiệp Thủ đô sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các sản phẩm chúng ta làm ra chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại thành phố. Ngược lại, đây là cơ hội tốt để chúng ta khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp, khẳng định sự tự chủ của nền kinh tế, tạo bứt phá cho ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế Thủ đô nói chung. Vấn đề là chúng ta cần quản lý, kiểm soát tốt thị trường, ngăn chặn và đẩy lùi hàng nhập lậu từ Trung Quốc, tạo điều kiện cho hàng nội lên ngôi, xây dựng thương hiệu và khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
- Xin ông cho biết định hướng phát triển của nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới?
- Hà Nội phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn bình quân đạt 10-11%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai; phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 231 triệu đồng/ha; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 55%; phấn đấu nâng mức thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng/người/năm trở lên... Con đường mà chúng ta sẽ đi là phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!