Munich trong mắt tôi (bài cuối)

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:42, 08/06/2014

(HNM) - Những ngày tôi đến Munich cũng là thời điểm bước vào mùa giải Bundesliga 2013-2014, nhờ thế đã giúp tôi có được cảm nhận mới mẻ về cách chơi, cách làm cũng như văn hóa bóng đá và con người Đức.

Những ngày tôi đến Munich cũng là thời điểm bước vào mùa giải Bundesliga 2013-2014, nhờ thế đã giúp tôi có được cảm nhận mới mẻ về cách chơi, cách làm cũng như văn hóa bóng đá và con người Đức. Munich có tới hai sân vận động (SVĐ) hoành tráng, đó là Olympic và Allianz Arena. Sân Olympic được xây để phục vụ Olympic Mùa hè 1972, có sức chứa 80 vạn khán giả, sau trở thành sân nhà của cả hai CLB Bayern Munchen (Bayern Munich) và TSV 1860 trong 33 năm. Khi mới xây, Olympic là một trong những SVĐ hiện đại nhất thế giới. Đây là nơi đã diễn ra trận chung kết World Cup 1974, nhưng vì là sân đa năng nên sau một thời gian sử dụng, các cổ động viên (CĐV) bóng đá không hài lòng với hai điều bất tiện, một là khoảng cách giữa khán đài với sân cỏ quá xa do đường đua điền kinh khiến khó theo dõi, hai là sân quá lạnh vào mùa đông vì chỉ hơn nửa số chỗ có mái che do kiến trúc đặc biệt của sân. Để đáp ứng ý nguyện của 65,8% người dân thành phố muốn có SVĐ chỉ dành riêng cho bóng đá, chính quyền Munich cùng hai CLB quyết định xây SVĐ mới. Đó là lý do sân Allianz Arena ra đời, còn sân Olympic hiện vẫn sử dụng nhưng chủ yếu dành cho các sự kiện văn hóa nghệ thuật.

Sân vận động Allianz Arena hiện đại đáp ứng ý nguyện của người dân Munich.


Với số tiền đầu tư 340 triệu euro, Allianz Arena được cấu tạo bởi 2.874 panô hình thoi bằng chất liệu EFTE, tự làm sạch, chịu được nóng, lạnh và không bị cháy, quả là tuyệt tác của kiến trúc hiện đại. Mặt trong panô được lắp hệ thống bơm hơi, khiến chúng luôn căng phồng dưới áp suất 350 Pascal, chịu được 8.000 tấn mà không vỡ! Bãi đậu xe có sức chứa 11.000 ô tô và 350 xe buýt, lớn nhất Châu Âu. Chỉ cần bước vào sân, 71.137 khán giả sẽ được thang máy đưa đến khu vực chỗ ngồi của 7 tầng, kể cả ở tầng cao nhất tầm nhìn vẫn rõ và bao quát.

Vẫn biết người Đức nổi tiếng kỷ luật, khoa học nhưng tôi không khỏi bất ngờ trước sự hoành tráng, khép kín đến hoàn hảo của "đấu trường" mang tên Allianz. Để vào sân, từ khoảng 1km, tất cả đều phải đi bộ, người xem có lối đi riêng và phải qua một dãy 40 cửa soát vé điện tử (chỉ vé hợp lệ, có mã vạch mới được qua), nhân viên chỉ hỗ trợ khi cần thiết. Tiếp đến là cửa an ninh. Tại đây, những dụng cụ bị cấm đưa vào sân sẽ được giữ lại (kể cả đồ lưu niệm nhưng sau trận đấu, tất cả sẽ được trả lại rất chính xác và nhanh gọn). Sau khi qua cổng soát vé và an ninh, từ lối đi chung bắt đầu tỏa ra những lối đi riêng cho từng khán đài, từng khu vực với bảng chỉ dẫn bằng cả tiếng Đức và tiếng Anh, rất dễ hiểu.

Vì Allianz Arena do TSV 1860 Munich và Bayern Munich cùng sở hữu nên chi phí xây dựng được chia đều cho 2 CLB và mọi thứ rất rạch ròi, từ phòng làm việc, lối đi, phòng thay đồ đến shop bán hàng lưu niệm... Khi Arena sáng đèn, không cần vào sân, bạn cũng biết Bayern, TSV 1860 hay đội tuyển quốc gia đang chơi, đơn giản vì cả SVĐ khổng lồ sẽ rực màu đỏ (màu của Bayern), xanh (màu của TSV 1860) hoặc trắng (màu của đội tuyển Đức). Nằm giữa một khu đất rộng mênh mông, Allianz Arena như một hòn ngọc, tỏa ánh sáng huyền hoặc say đắm lòng người.

Nhưng trên tất cả, cách thức tổ chức mới là điều đáng khâm phục. Ở mỗi khu vực, họ bố trí một người dẫn chương trình (MC) để bắt nhịp cho khán giả, MC giống như nhạc trưởng trong dàn đồng ca, bắt nhịp cho 70 nghìn "ca sĩ" hát vang bài ca tình yêu bóng đá. Họ biến mỗi trận đấu trở thành một ngày hội, một không khí đoàn kết đồng lòng cho tất cả những người có mặt trên sân, điều đó mang lại sức mạnh tinh thần rất lớn cho đội chủ nhà trong suốt 90 phút. Sau khi trận đấu kết thúc, chỉ khoảng 10 phút kể từ khi trọng tài thổi còi, hơn 70 nghìn CĐV rời khỏi sân rất nhanh. Những người có ô tô riêng nhanh chóng tới bãi đỗ dưới tầng hầm hoặc tổ hợp bãi đỗ xe cao tầng cách đó một quãng, còn người đi phương tiện công cộng theo lối riêng, tất cả trong chu trình khép kín.

Giao thông ở Munich rất trật tự, quy củ, thành phố sạch đẹp và thông thoáng.


Không chỉ là xây dựng một SVĐ hiện đại, điều mà người dân Bayern ấp ủ chính là xây dựng một đội bóng đứng đầu thế giới, hùng mạnh về mọi mặt. Bayern Munich đã làm được nhiều điều trong mùa giải 2012-2013, "Hùm xám" xứ Bavaria đã có một thành tích không thể tuyệt vời hơn khi trở thành đội bóng Đức đầu tiên đoạt cú ăn ba lịch sử: Vô địch UEFA Champions League, vô địch Bundesliga và vô địch Cúp Quốc gia Đức. Như một cỗ xe chiến thắng không thể dừng lại, sau đó, Bayern Munich tiếp tục đoạt Siêu cúp bóng đá Châu Âu và Cúp Vô địch thế giới các CLB, nghĩa là cú ăn năm, chiến thắng tất cả các giải bóng đá quan trọng mà một đội bóng có thể đạt được trong một mùa giải. Mùa giải 2013-2014, "Hùm xám" cũng đã bảo vệ được ngôi vương.

Đội bóng mạnh, tài lực đương nhiên phải mạnh. Hãy xem cách Bayern Munich giải bài toán tài chính khôn ngoan như thế nào. Ban lãnh đạo "Hùm xám" không giấu giếm học hỏi Giải Ngoại hạng Anh vốn rất thành công về thương mại, nhưng người Đức lại có cách làm khác với những "đại gia xứ Sương mù" luôn rình cơ hội tăng giá vé. Bóng đá Đức, cụ thể là Bundesliga, nổi tiếng có giá vé rẻ nhất thế giới. Nếu là hội viên, CĐV được ưu tiên mua vé giá ưu đãi và được đi phương tiện công cộng miễn phí. Khoảng 16.000 CĐV Bayern Munich có thể mua được vé cả mùa chỉ mất 150 euro, thậm chí là 126 euro (khoảng 104 bảng Anh), tính ra có 7,5 euro/trận (khu khán đài đứng). Trong khi đó, giá vé cả mùa ở Arsenal và Liverpool lần lượt là 985 bảng và 725 bảng, mức thấp nhất thuộc về đội Wigan cũng 255 bảng. Dựa vào thương hiệu cũng như thành tích trên sân cỏ gần đây, Bayern Munich hoàn toàn có quyền nâng giá vé, nhưng họ không chọn cách đó. Như Chủ tịch CLB Bayern Munich đã nói: "Người hâm mộ không phải là những con bò để bạn có thể vắt sữa. Bóng đá phải đến được với đông đảo công chúng. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa bóng đá Đức với bóng đá Anh", triết lý của CLB khiến các CĐV thực sự hài lòng.

Đặc biệt, Bayern Munich còn có loại vé mà người mua chỉ phải bỏ ra 5 euro (tương đương 2 chai Coca Cola) cho một trận hay 67 euro cho cả mùa là có trong tay 2 tấm vé trên khán đài cạnh khu VIP, đó là vé dành cho người khuyết tật cùng người trợ giúp. Vé rất rẻ nhưng dịch vụ còn tốt hơn cả vé thường. Họ có lối đi, cửa xếp hàng, nhà vệ sinh riêng biệt, tiện dụng, khán đài có tầm nhìn rất tốt, rộng hơn hẳn để xe lăn dễ dàng di chuyển. Với chính sách khôn ngoan, khéo léo và rất nhân văn nên sau lưng đội bóng luôn có lực lượng CĐV trung thành hùng hậu nhất thế giới. CLB Bayern Munich đã treo vĩnh viễn số áo 12 để dành tặng cho các CĐV như một lời tri ân và coi họ là một phần của đội bóng.

Khải Hoàn Môn Munich rất đặc biệt so với các nơi khác, đó là nữ thần Chiến thắng dắt một đàn sư tử thay vì cưỡi ngựa. Sư tử là linh vật bảo hộ của thành phố Munich


Do những chính sách ưu đãi dành cho người khuyết tật và người có thu nhập thấp nên tại Allianz Arena, mỗi mùa Bayern Munich chỉ thu về 85,4 triệu euro, thua xa M.U (122 triệu) hay Arsenal (117,7 triệu) dù số ghế tương đương. Ấy vậy mà ban lãnh đạo đội bóng xứ Bavaria lại không hề "đau đầu vì tiền" hay lo lắng thua lỗ. Trong vài năm gần đây, "Hùm xám" luôn nằm trong tốp 4 đội kiếm tiền nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Hãng kiểm toán Deloitte, Bayern là đội kiếm được nhiều nhất từ các hoạt động thương mại như quảng cáo, bán đồ lưu niệm... Cũng dễ hiểu thôi, khi CĐV được coi trọng, đáp lại thịnh tình ấy, họ coi Bayern như gia đình, ủng hộ CLB hết mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào và luôn vui vẻ dốc hầu bao mỗi khi tới sân dự khán hoặc tham quan. Rất ít người rời Allianz Arena mà trên tay không cầm ít nhất một món đồ lưu niệm. Nhiều CĐV ở xa, dù phải tiêu khá tiền cho việc ăn nghỉ, đi lại nhưng khi được hỏi "Có thấy tốn kém không?", họ lắc đầu hét vang: "Super Bayern, Super Bayern. Yeah, yeah". Các doanh nghiệp cũng "đánh hơi" được tình yêu bất tận này nên luôn hào phóng tài trợ cho Bayern với những số tiền kỷ lục. Cũng nhờ cú ăn ba rồi ăn năm mùa giải 2012-2013, đội bóng xứ Bavaria đã đi vào lịch sử bóng đá Đức và thành tích này đã giúp cho "Hùm xám" có thêm nhiều hợp đồng béo bở, tổng giá trị cổ phiếu của đội bóng giàu thành tích nhất nước Đức cũng tăng thêm hàng trăm triệu euro. Nhưng điều đáng nói hơn cả là số thành viên chính thức của CLB không ngừng tăng lên. Năm ngoái, họ có 195.689 thành viên nhưng năm nay đã là 223.985 thành viên, thêm 28.296 người ăn, ngủ, vui, buồn cùng CLB, cho thấy Bayern Munich đang cực kỳ thành công.

Xem cách người Đức chơi và làm bóng đá như hiện nay mới thấy sự thay đổi diệu kỳ đã đem đến chiến thắng ngọt ngào, chiến thắng không chỉ trên đấu trường Châu Âu và thế giới mà quan trọng hơn là chiến thắng trong lòng người hâm mộ. Người Đức giờ đây không còn ngạo mạn và tìm kiếm chiến thắng bằng mọi giá với thái độ lạnh lùng và thực dụng nữa. Bây giờ họ đang đi trên con đường khác mà bóng đá là một minh chứng rất rõ nét. Sau 12 năm, bóng đá Đức lại trở về đỉnh cao Châu Âu với tấm áo mới mà Bayern Munich đã khoác lên nhưng vẫn với tinh thần Đức, như Oliver Kahn đã nói: "Điều mấu chốt trong bóng đá là bạn không được phép buông tay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù bạn đã thua đau đớn nhưng chính nỗi đau ấy sẽ là động lực cho chiến thắng".

Nguyệt Thơ