Trần Đăng Khoa “Viết để ai cũng đọc được”
Văn hóa - Ngày đăng : 14:45, 26/07/2004
Trần Đăng Khoa là con thứ ba trong một gia đình nông dân bên bờ sông Kinh Thầy. Thuở bé ước mơ trở thành chàng kỹ sư nông nghiệp bên bờ sông Kinh Thầy và làm thơ về làng quê của ông.
Thuở ấy, nhà Khoa rất nghèo. Một căn nhà tranh vách đất, đồ đạc trong nhà hầu như không có gì. Nhưng bù lại, trong căn nhà trống huyếch trống hoác ấy lại có một tủ sách khá đồ sộ với hàng nghìn cuốn sách giá trị mà anh Trần Nhuận Minh (anh cả của Khoa) đã chắt chiu, gom nhặt từ đồng lương nhỏ nhoi của một giáo viên cấp hai. Khoa đã “đọc trộm” tủ sách lớn của anh Minh. Đối với Trần Đăng Khoa, bí quyết học thành tài là học từ những trang sách. Sách đóng vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đối với việc hình thành và phát triển năng khiếu thơ của Khoa.
Nhờ kiến thức từ sách vở, óc quan sát tinh tế và một chút năng khiếu bẩm sinh, tài năng của Trần Đăng Khoa phát triển rất sớm. Khoa luôn “nhặt” đựợc những từ “thần”, những tứ thơ độc đáo làm nên giá trị của mỗi bài thơ. Có một nhà báo đã hỏi Trần Đăng Khoa việc “bếp núc” khi anh làm bài thơ “Mưa”, bởi đây là một trong những bài thơ hay nhất của Trần Đăng Khoa thời thơ ấu, theo cách đánh giá của Xuân Diệu. Khoa hồn nhiên nói: “Em học ca dao để viết bài thơ này đấy. Anh còn nhớ bài nói về mưa trong ca dao không? “Trời mưa. Quả dưa vẹo vọ. Con ốc nằm co. Con tôm đánh đáo. Con cò kiếm ăn”. Thế còn: “Cỏ gà. Rung tai. Nghe”, rồi “Kiến. Hành quân. Đầy đường” là tả về cái “nha khí tượng” của làng Khoa. Cứ thấy cỏ gà lan ra đường và kiến đi từng đàn là Khoa biết trời sẽ mưa. Thì ra anh đã biết kết hợp kiến thức sách vở và kinh nghiệm dân gian khá nhuần nhuyễn. Trần Đăng Khoa còn cho biết xuất xứ của một số câu thơ của anh được bắt đầu từ đầu. Như câu “Dưới bóng đa con trâu. Thong thả nhai hương lúa” là anh học nhà thơ Huy Cận (“Rào rạo ngon lành. Con dê mỏm đá. Nhai cả mùa xanh. Theo từng ngọn lá”). Tương tự như vậy, “ò…ó…o…” cũng là chữ của nhà văn Tô Hoài…
Năm 1972, Trần Đăng Khoa đang học lớp bảy thì giặc Mỹ ném bom B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và oanh tạc miền Bắc. Trong một đêm, Trần Đăng Khoa viết xong trường ca “Trừng phạt”, dựng cảnh oan hồn những người bị bom Mỹ sát hại đã đến đập cửa Diêm Vương đòi xử tội bọn giết người. Cũng trong năm ấy, anh có bài “Thư thơ” gửi các anh bộ đội từng đến thăm mình:
Em chẳng còn bé bỏng như xưa
Chiếc khăn quàng em đeo đã bắt đầu thấy chật
Những trang giấy cứ cồn trên mặt đất
Đường hành quân dẫn đến mọi chân trời
Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời
Là Tổ quốc đang một còn một mất
Rồi:
Nếu sau này nếu các anh gặp em
Không phải trên góc sân nhà ngồi ngắm trăng lên
Mà trong chớp rạn rực trời, cứ điểm thù tan rã
Thì điều ấy các anh không lạ…
Quả đúng vậy. Mùa xuân năm 1975, đang học dở lớp mười (tương đương lớp mười hai bây giờ) thì tiếng gọi tiến công giải phóng miền Nam như một hiệu lệnh, thúc dục cả nước gồng mình lên đánh trận cuối cùng. Trần Đăng Khoa đã tình nguyện lên đường nhập ngũ:
Thầy giáo ơi, xin thầy đừng trách em
Em chẳng thể nào học thêm được nữa
Tin chiến thắng bay về đốt lòng em như lửa
Cả dân tộc đang đánh trận cuối cùng
Em thấy lòng mình có lỗi với núi sông
Với bầu bạn đã bao lần nhập ngũ
Nếu em cứ vùi đầu vào sách vở…
(Viết trong ngày nhập ngũ)
Cùng với bè bạn Trần Đăng Khoa đã trở thành những người lính, kết thúc tốt đẹp mười năm học tập và làm thơ dưới mái trường phổ thông. Những tác phẩm Trần Đăng Khoa viết từ thời ngồi trên ghế nhà trường ngày ấy đã được bạn đọc nhiều thế hệ đón nhận nồng nhiệt. Cùng với những tác phẩm viết trong đời lính “Bên cửa sổ máy bay”, “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa” (1966-2000), tập thơ Khoa viết từ thời đi học “Góc sân và Khoảng trời” đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I năm 2001.
Năm 1998, Trần Đăng Khoa ra tập sách về chân dung văn học gây xôn xao dư luận. Anh nói: Để viết được cuốn sách đó, tôi đã có dịp đọc một cách có hệ thống và đọc bình tĩnh. Trước khi đến với mỗi tác phẩm và tác giả, tôi đều lùa ra khỏi đầu mình những mặc cảm, định kiến những lời bình phẩm, đánh giá mang tính định hướng của các nhà phê bình nghiên cứu từ trước đến nay và cả sự yêu ghét cá nhân của chính bản thân mình. Nghĩa là tôi dọn sạch đầu óc, để đầu óc hoàn toàn toàn sạch sẽ, tinh khôi, không có gì vướng víu rồi mới đón khách, là những tác phẩm, tác giả mà tôi yêu mến, kính trọng! Tôi vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, quan sát, xem cuốn sách đó, tác giả đó thực sự hay, dở thế nào. Rồi tôi trình bày với bạn đọc cách hiểu và cách cảm nhận của tôi. Có thể cách hiểu, cách nghĩ ấy cũng trùng với suy nghĩ của người này hay người khác, mà họ ngại không dám nói, hoặc cũng có thể chẳng giống với ai. Tôi gọi là “Bình luận văn chương” vì cuốn sách đó có khen, có chê. Cả khen và chê đều thẳng thắn. Tất nhiên, tôi viết theo kiểu của tôi. Cố gắng viết thế nào để ai cũng đọc được, kể cả những người chưa từng biết nhà văn … cũng có thể đọc được bài viết của tôi về nhà văn ấy, cũng hiểu được tác phẩm và số phận của nhà văn ấy. Trong đời sống mở ra muôn ngả, có hàng ngàn lối đi, cách đi nào cũng được, miễn là đi được đến đích và tới được đông đảo bạn đọc.
Trần Hoàng Thiên Kim