Phái đoàn Việt Nam ở Geneva gửi công hàm phê phán Trung Quốc
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:40, 07/06/2014
Tàu Trung Quốc liên tiếp tiến lại gần và uy hiếm tàu chấp pháp của Việt Nam gần khu vực nước này hạt đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981. Ảnh: Nguyễn Đông |
Công hàm nêu rõ, trong hơn một tháng qua kể từ ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã liên tục điều hàng trăm tàu, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự hoạt động với cường độ cao, quấy nhiễu, gây hấn và tấn công các tàu chấp pháp của Cảnh sát biển và Kiểm ngư cũng như các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong khu vực này. Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 26-5 vừa qua, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng đang hoạt động tại ngư trường truyền thống gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Công hàm một lần nữa yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay lập tức và vô điều kiện giàn khoan nói trên khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt mọi hoạt động phi pháp, quấy nhiễu và gây hấn đối với các tàu thuyền của Việt Nam ở đây, đồng thời trừng trị nghiêm khắc thủ phạm và đền bù các thiệt hại mà họ gây ra cho phía Việt Nam. Trong công hàm này, Phái đoàn Việt Nam cũng kiên quyết bác bỏ những luận điệu vu cáo, bịa đặt trắng trợn của phía Trung Quốc nêu trong công hàm mà Phái đoàn của họ gửi cho các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneva ngày 2-6.
Dựa trên những lập luận về pháp lý và lịch sử, công hàm của Phái đoàn Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và bác bỏ hoàn toàn đòi hỏi chủ quyền không có cơ sở pháp lý của phía Trung Quốc đối với quần đảo này và chỉ rõ việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 và các hoạt động gây hấn của phía Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.
*Kyodo đưa tin, một nhà ngoại giao Philippines ngày 5-6 cho biết, Indonesia đã đề nghị các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp trước thềm hội nghị bộ trưởng ASEAN dự kiến vào tháng 8 tới để đánh giá về căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông. Nguồn tin trên cho biết, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa gần đây đã nêu ra ý kiến này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành động leo thang trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
*Tiến sĩ Ely Ratner, Phó Giám đốc Chương trình an ninh Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ đã trả lời phỏng vấn phóng viên VOV sau khi vừa trở về từ Đối thoại Shangri-la tại Singapore. Theo đó, bình luận về phát biểu của phía Trung Quốc tại Shangri-la, Tiến sĩ Ely Ratner cho biết: "Tôi nghĩ ngoài Trung Quốc ra thì chẳng có ai đồng tình với bài phát biểu đó. Hơn nữa, tôi thấy sự tham dự của đoàn Trung Quốc tại Shangri-la rất thiếu chuyên nghiệp và không giúp ích gì cho các cuộc đối thoại".
* Cùng ngày, tờ Les Echos của Pháp đã có bài bình luận với tiêu đề "Trung Quốc - Cường quốc càng ngày càng hiếu chiến", trong đó cảnh báo rằng những hành động của Trung Quốc ẩn chứa rủi ro nghiêm trọng làm suy giảm uy tín của nước này. Theo bài báo, các hành động gây hấn của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng thời gian gần đây đã cho thấy có sự thay đổi về vị thế ngoại giao của Trung Quốc. Nếu cách đây 5 năm, Trung Quốc còn được xem là một quốc gia hòa bình, thì hiện đã trở thành một nhân tố gây hấn tiềm tàng trong khu vực.