Góp ý tích cực sẽ mang lại hiệu quả tích cực
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 07/06/2014
Cách ra đề lần này cũng được dư luận đánh giá cao, nhất là đề văn gây xúc động nhiều người, được cho là "xoáy vào cõi sâu cốt cách mỗi người", không chỉ đánh giá được kiến thức mà còn cả nhận thức xã hội, sự sáng tạo của từng học sinh.
Những kết quả này phần nào đã thể hiện được sự cố gắng của ngành giáo dục. Dẫu vẫn còn đôi chút cấn cá chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng nó cho thấy xu hướng "học thật, dạy thật" đang ngày càng rõ hơn, chất lượng đào tạo được nâng cao hơn. Nói như vậy không có nghĩa là người viết có ý "bênh" ngành giáo dục. Song qua mấy ngày thi, trên mạng internet đã xuất hiện một số thông tin, mang hơi hướng "bới bèo ra bọ" nhiều hơn là góp ý xây dựng. Có thể dẫn ra việc một đoạn clip thí sinh "tự do trao đổi bài" được một người từng là thầy giáo tung lên mạng, coi đó như khiếm khuyết nghiêm trọng của một kỳ thi thì e rằng chưa thuyết phục. Cũng chính thầy giáo này đã gọi điện thoại đến đường dây nóng để tố cáo tiêu cực vào… lúc nửa đêm (thông tin này được lãnh đạo ngành giáo dục xác nhận). Vẫn biết mọi công dân có quyền đóng góp ý kiến, tố cáo những tiêu cực trong xã hội. Nhưng việc lấy những khiếm khuyết nhỏ để đại diện cho một việc lớn là điều không nên làm. Ai cũng từng trải qua thời học trò, "nhất quỷ, nhì ma" nên chắc nhiều người đều hiểu được bản chất câu chuyện. Việc học sinh quay cóp là điều khó tránh khỏi ở bất cứ kỳ thi nào. Tuy nhiên, nếu chỉ với một vài biểu hiện thì không thể đánh giá bản chất của cả một kỳ thi và càng không thể phủ nhận nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục. Tất nhiên, chúng ta không khuyến khích những hành vi tiêu cực, song phê phán tiêu cực để xây dựng theo hướng tốt hơn thay vì "soi", vạch lỗi nhằm mục đích làm giảm uy tín của một tổ chức hay cá nhân nào đó. Góp ý phải mang tính tích cực thì mới mang lại hiệu quả tích cực thực thụ.
Tất nhiên, qua kỳ thi vừa qua thì hình thức tổ chức kỳ thi cũng đã bộc lộ một số "khoảng trống" đòi hỏi ngành giáo dục cần sớm có giải pháp xử lý, như việc sai sót trong đề thi là điều hay xảy ra mà chưa khắc phục được, hoặc việc có khá nhiều hội đồng chỉ có một thí sinh thi môn lịch sử, thậm chí có tỉnh có tới 15 hội đồng không có thí sinh thi sử. Tương tự, số hội đồng chỉ có 2, 3 thí sinh thi môn địa lý, hay sinh học, ngoại ngữ cũng không phải ít… Chưa bàn đến các khâu liên quan đến việc tổ chức kỳ thi, tốn kém nhân vật lực một cách không cần thiết, nếu không muốn nói là lãng phí, thì điều này cũng đã bộc lộ những vấn đề không thể không băn khoăn. Đây chính là lời cảnh tỉnh về phương pháp dạy và học các môn khoa học xã hội. Hệ lụy của nó sau này sẽ như thế nào thì chắc chắn ai cũng có thể mường tượng được.
Mặc dù vậy, có thể thấy những điểm khuyết đó đang cho ngành giáo dục một gợi ý bổ sung cho những cải cách, để sẽ có được những kỳ thi ưu việt hơn nữa, giảm áp lực hơn nữa với cả học sinh, ngành giáo dục và toàn xã hội để giáo dục và đào tạo thực sự đổi mới một cách toàn diện và triệt để, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.