Đề nghị cân nhắc miễn nhiệm với người có 2/3 phiếu “tín nhiệm thấp”

Chính trị - Ngày đăng : 09:56, 06/06/2014

(HNMO) – Sáng nay, 6/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.


Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau hơn một năm triển khai thực hiện, đã có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý cả mặt tích cực và hạn chế của việc lấy phiếu tín nhiệm. Do đây là lần đầu tiên Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc quy định và quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi hạn chế, vướng mắc như: quy định về phạm vi, đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm; hình thức tín nhiệm; thời gian, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm … còn có ý kiến khác nhau; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cần được bổ sung một số điểm về quy trình, thủ tục….

Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Nghị quyết số 35 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ nguyên đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, các mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm như quy định của Nghị quyết số 35.

Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân 2011-2016, Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.

Về hệ quả đối với người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”, đối với người được lấy phiếu, khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo; người có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Về báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung rõ các nội dung cần báo cáo cụ thể sau đây: (1) kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất đạo đức, lối sống; (2) hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân; (3) phương hướng khắc phục. Ủy ban cũng đề nghị không bổ sung quy định về nhận xét của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với việc cần nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh các nội dung trong Nghị quyết số 35 và cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi và các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết số 35 đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ nguyên đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, 3 mức đánh giá tín nhiệm cũng như việc thay đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong tờ trình.

Ủy ban pháp luật cũng cơ bản tán thành với hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc tổ chức quá nhiều lần biểu quyết về nhân sự trong cùng một kỳ họp (biểu quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm người không được tín nhiệm, bầu hoặc phê chuẩn người mới). Do đó, các ý kiến này đề nghị cân nhắc cả phương án đơn giản bớt thủ tục đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 18 người, bằng 38,3%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” đạt từ 50% trở lên có 29 người, bằng 61,7%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên: không có người nào.

Ở cấp tỉnh: Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Kết quả: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 689 người, bằng 76%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” từ 50% trở lên là 216 người, bằng 24,78%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 2 người, bằng 0,22%.

Ở cấp huyện: Hội đồng nhân dân đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 6.664 người. Kết quả: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 4.871 người, bằng 73%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” từ 50% trở lên là 178 người, bằng 26,8%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 12 người, bằng 0,2%.

Ở cấp xã: Hội đồng nhân dân đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 58.488 người. Kết quả: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 36.236 người, bằng 62%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” từ 50% trở lên là 21.803 người, bằng 37,24%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 449 người, bằng 0,76%.

Vân An