Những trang viết bình thản đến xót xa
Sách - Ngày đăng : 06:42, 06/06/2014
Cuốn sách xuất bản lần đầu tiên năm 1853, sang đến thế kỷ XXI, nó được đạo diễn tài danh Steve MCQueen đưa lên màn ảnh, và lập tức giành giải Oscar 2014 cho phim hay nhất. Cuốn sách này vừa được NXB Phụ nữ giới thiệu với bạn đọc Việt Nam với tên gọi nguyên bản "12 năm nô lệ", đúng thời điểm bộ phim của Steve MCQueen được công chiếu ở nước ta.
Trong nghệ thuật thứ 7, việc một bộ phim gây tiếng vang nhờ chuyển thể thành công từ một tác phẩm văn học hoàn toàn không hiếm. Thậm chí tác phẩm văn học là một trong những nguồn gợi ý, xây dựng kịch bản đặc biệt quan trọng của điện ảnh đương đại.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi sự xuất hiện của ấn bản cuốn tự truyện này vào đúng thời điểm "12 năm nô lệ" được công chiếu ở Việt Nam với thương hiệu "Bộ phim hay nhất Oscar 2014" tạo nên sự tò mò, thu hút nhất định với công chúng và người làm điện ảnh Việt.
Trước tiên, phải khẳng định "12 years a slave" đã lọt vào mắt xanh của Steve MCQueen bởi tự thân câu chuyện xúc động này. Quãng đời riêng tư vốn đẫm chất tiểu thuyết của Solomon Northup kể từ khi anh từ một người da màu tự do ở New York (Mỹ), sau một đêm bỗng bị lừa đem bán và trở thành nô lệ suốt 12 năm đã có sức hấp dẫn nhất định đối với nhà làm phim. Đặc biệt, con người bị bắt cóc ấy không phải là một nô lệ bình thường. Chính sự hiểu biết, tấm lòng nhân hậu của Solomon Northup khiến những gì anh phải trải qua trở nên đau đớn gấp trăm lần. Một điều quan trọng khác khiến cho nỗi đau này bước lên màn ảnh là bởi cái biến cố khủng khiếp của cuộc đời riêng ấy lại gắn liền với một biến cố đau đớn và đáng xấu hổ trong lịch sử nước Mỹ - chế độ nô lệ!
Steve MCQueen từng nói: "Ngay từ lần đầu đọc "12 năm nô lệ", tôi đã mơ một ngày cuốn sách này được giảng dạy ở trường học". Còn tác giả cuốn tự truyện - Solomon Northup đã có lời sẻ chia ngay từ chương I, chương êm ấm nhất trước khi ông đưa bạn đọc bước vào giông gió cuộc đời: "Tôi chỉ có thể nói về chế độ nô lệ trong chừng mực mình quan sát được, chỉ trong chừng mực đã biết và trải qua bằng chính con người mình. Mục đích của tôi là thuật lại câu chuyện của đời mình, không phóng đại, để việc luận bàn cho người khác…".
Phải nói, giọng điệu cũng như hệ thống nhân vật của tác phẩm đã được chuyển tải vẹn nguyên lên màn ảnh. Tất nhiên, cách kể của bộ phim là sự hồi tưởng đan xen trên nền mạch chính của câu chuyện, còn ở tác phẩm văn học thì lại là một tập hợp những biến cố theo trình tự thời gian. Ngôn ngữ hình ảnh của điện ảnh là một lợi thế của phim, còn khả năng thúc đẩy tư duy và gợi liên tưởng trong văn bản lại là một ưu điểm của cuốn tự truyện.
Có nhiều trường hợp điện ảnh làm tốt hơn, ấn tượng hơn thông điệp tác phẩm văn học, nhưng cũng không ít ví dụ về việc tác phẩm văn học mới làm thỏa mãn công chúng. Giống như trường hợp cuốn tiểu thuyết "Cuộc đời của Pi" và bộ phim cùng tên, với người viết tác phẩm văn học cho phép người đọc một thế giới của sự tự do tưởng tượng và những đối thoại nội tâm mà không thước phim nào bằng được.
Tự truyện "12 năm nô lệ" là khởi nguồn của tác phẩm điện ảnh, nhưng cũng lại là một tác phẩm văn học độc lập. Mặc dù thứ ngôn ngữ hơi cổ của những thế kỷ trước thách thức cả người dịch, thậm chí cả bạn đọc, nhưng tính chất tự truyện và đặc biệt là sự giản dị đến dồn nén trong giọng kể của Solomon Northup vẫn cứ là một thứ men say nguyên chất.
Sự so sánh giữa tác phẩm văn học với điện ảnh nếu có thì cũng chỉ càng khẳng định thêm mối quan tâm của công chúng với câu chuyện đặc biệt này.