Bài đầu: Nóng về đất đai và nguồn vốn

Đời sống - Ngày đăng : 05:52, 06/06/2014

LTS: Với những khó khăn vướng mắc hiện nay, việc đến năm 2020 có 80% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát là không dễ đạt được.

LTS: Ngày 5-6, UBND TP Hà Nội tổ chức giao ban với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp về tiến độ thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014-2020. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật đối với người sản xuất; thay đổi thói quen của người tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, với những khó khăn vướng mắc hiện nay, việc đến năm 2020 có 80% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt GSGC được kiểm soát là không dễ đạt được.

Bài đầu: Nóng về đất đai và nguồn vốn

An toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trước thực trạng đó, Hà Nội đang triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến GSGC. Thành phố đã có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung nhưng đây là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro trong khi suất đầu tư cao nên DN không mặn mà. Cùng với đó, xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung hiện đang vấp phải nhiều khó khăn về mặt bằng đồng thời việc dẹp bỏ các lò giết mổ GSGC nhỏ lẻ còn khó khăn do chính quyền cơ sở vào cuộc chưa quyết liệt…

Những điểm giết mổ nhỏ lẻ đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Hầu hết dự án chưa được bố trí vốn

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay đã có 10 huyện gồm Đan Phượng, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên đang triển khai dự án giết mổ GSGC. Tuy nhiên, đến nay hầu như không có dự án nào thực hiện được vì không có vốn. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền, do chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc dẹp bỏ các lò giết mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường, nên hầu như các lò giết mổ tập trung không thể hoạt động. Từ năm 2010 theo chỉ đạo của UBND thành phố, với chính sách nhà nước và DN cùng bỏ vốn đầu tư, DN đã xây dựng 27 ô tập trung với kinh phí trên 10 tỷ đồng để đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) vào hoạt động, nhưng đến nay mới chỉ thu hút được 7 hộ. Trong khi đó, khu vực gần với huyện Thanh Oai như quận Hà Đông vẫn tồn tại nhiều hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, mặc dù dự án đi vào hoạt động được gần 4 năm nhưng việc giải quyết về vốn cho DN vẫn "án binh bất động". Hơn nữa, do DN phải vay tiền đầu tư với lãi suất cao, nên đến thời điểm này cơ sở gần như… kiệt sức. Hiện thành phố đã đầu tư cho DN 35 tỷ đồng xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải nhưng lại gặp khó trong vận hành. Trung bình mỗi ngày DN phải bỏ ra 2-3 triệu đồng cho hệ thống xử lý nước thải.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico): Hiện công ty đang triển khai 3 dự án giết mổ trên địa bàn thành phố nhưng đều bế tắc. Dự án giết mổ gia súc ở xã Tri Thủy - Quang Lãng (Phú Xuyên) đã được phê duyệt từ năm 2012 với diện tích trên 3ha, nhưng đến nay không thực hiện được vì vướng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, mỗi ngày ở Tri Thủy và Quang Lãng giết mổ 50-60 con trâu, bò, gây ô nhiễm môi trường. Đây là dự án đặc thù nên thành phố giao cho huyện thực hiện giải phóng mặt bằng cả trong và ngoài hàng rào. Huyện đã làm xong các thủ tục trình sở, ban, ngành để triển khai nhưng chưa được ghi vốn. Còn đối với dự án xây dựng nhà máy giết mổ ở Phúc Thọ với diện tích 10ha, được phê duyệt từ năm 2012 cũng không triển khai được vì nguồn vốn đầu tư cho dự án lên tới 300 tỷ đồng. Đối với dự án giết mổ ở xã Thắng Lợi (Thường Tín) đang lập quy hoạch với diện tích 4,9ha, song cũng khó thực hiện được vì không có kinh phí. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên, năm 2012 thành phố phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ GSGC tập trung tại xã Bình Minh với diện tích 4,4ha, kinh phí trên 111 tỷ đồng. Trong năm 2013, huyện đã chỉ đạo các ngành hoàn tất công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vốn...

Chính sách có nhưng chưa đủ mạnh

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngoài khó khăn về nguồn vốn, vấn đề đất đai cũng rất nan giải bởi quỹ đất dành cho các dự án giết mổ GSGC đều khó khăn về thủ tục giải phóng mặt bằng vì liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, còn nếu phải thuê đất thì kinh phí quá lớn. Một số huyện tiếp tục có đề xuất điều chỉnh diện tích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để đáp ứng đủ nhu cầu giết mổ của địa phương, đồng thời đề xuất bổ sung thêm cơ sở giết mổ tập trung vào quy hoạch giết mổ của thành phố (như dự án ở các huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Chương Mỹ) nên hiện nay chưa có sự thống nhất trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành chưa triệt để khiến việc giết mổ nhỏ lẻ vẫn tràn lan.

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh cho biết, hiện nay ở phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) có 5-6 hộ giết mổ nhỏ lẻ đã xóa bỏ và chuyển về địa điểm giết mổ mới, nhưng do chi phí giết mổ ở địa điểm mới cao nên nhiều hộ đang gặp khó khăn. Mặc dù thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo Quyết định 77 hay hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 16 (trong năm đầu sẽ hỗ trợ 50% về chi phí giết mổ, năm thứ 2 là 40%, năm thứ 3 là 30%...) nhưng đây là lĩnh vực có vốn đầu tư cao, nhiều rủi ro, nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra còn khó khăn nên các DN không mặn mà. Các chính sách không hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm đối với cơ sở giết mổ công nghiệp mà chỉ hỗ trợ về xử lý môi trường nên chưa khuyến khích được DN.

Quỳnh Dung