Đòi hỏi tất yếu!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 06/06/2014

(HNM) - Sáng 4-6, phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy tại Công ty Đóng tàu Hạ Long - Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Những yếu kém của Vinashin không phải là yếu kém của ngành đóng tàu, mà là yếu kém trong lãnh đạo quản lý, trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, quản lý đầu tư. Thủ tướng khẳng định: Không vì những yếu kém nêu trên mà chúng ta từ bỏ ngành đóng tàu.


Việt Nam là một quốc gia biển, với vùng biển rộng lớn lên đến hơn 1 triệu kilômét vuông. Từ ngàn xưa, biển gắn bó với người dân Việt Nam, là không gian sinh tồn, không gian phát triển của đất nước, của dân tộc. Do vậy, hướng ra biển, phát triển kinh tế biển vừa là đòi hỏi bức thiết, vừa là tâm thức dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, hướng ra biển đồng nghĩa phải chấp nhận đối mặt với những thách thức mới (những căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông và biển Hoa Đông là ví dụ điển hình).

"Ra biển lớn" phải có những con tàu lớn. Từ nhiều năm trước, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương phát triển ngành công nghiệp đóng tàu biển trong Chiến lược phát triển kinh tế biển nhằm đáp ứng nhu cầu cho đánh bắt thủy, hải sản, vận tải, bảo đảm an ninh, quốc phòng... Thực tế, ngành đóng tàu Việt Nam đã có bước phát triển đáng khích lệ. Đội ngũ kỹ sư, công nhân làm chủ được nhiều công nghệ, đóng được nhiều thế hệ tàu hiện đại, có lượng giãn nước hàng nghìn tấn, có sân đáp cho máy bay trực thăng... đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau "cơn hải chấn" mang tên Vinashin, ngành công nghiệp đóng tàu biển Việt Nam đang phải cùng lúc giải quyết hàng loạt vấn đề. Trước hết và quan trọng nhất là tái cơ cấu tài chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, rồi tổ chức lại sản xuất, tiếp tục duy trì được năng lực đóng tàu... Có thể nói đều là những vấn đề không đơn giản. Chưa kể việc chen chân trên thị trường trong bối cảnh ngành công nghiệp đóng tàu đã phát triển rất mạnh ở nhiều nước Châu Âu và cả những nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Hàn Quốc...; hay hợp tác với ai, tiếp thu công nghệ thế nào?...

Ngay việc thực hiện mô hình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân cũng là cả vấn đề. Cơ chế tài chính vốn là nan giải nhất đã không còn là vấn đề quá khó. Thông tin mới đây cho biết, Ngân hàng BIDV sẽ dành gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho ngư dân một số nơi vay vốn để đóng tàu vỏ thép, xa khơi bám biển (BIDV sẽ cho vay đến 90% giá trị con tàu, với lãi suất 2-3%/năm, thời hạn cho vay là 12 năm). Tuy nhiên, thu hồi vốn vay thế nào? Các tàu vỏ thép được đóng đại trà có phù hợp với tập quán đánh bắt, sinh hoạt của ngư dân trên biển? Ngư dân có được tham gia thiết kế con tàu mà họ sẽ làm chủ hay không?... Tóm lại, có rất nhiều vấn đề cần đặt ra, cần giải quyết.

Phát triển ngành công nghiệp đóng tàu là đòi hỏi tất yếu đối với một quốc gia biển như Việt Nam. Chúng ta không thể "ra biển lớn" bằng "hạm đội thuyền nan". Thế nhưng phát triển thế nào là cả một câu chuyện dài với việc tìm lời giải cho hàng loạt bài toán khó. "Cơn hải chấn" mang tên Vinashin đã để lại những bài học lớn, ngành công nghiệp đóng tàu biển cần hướng vào tương lai với tư duy mới và những giải pháp quản lý mới.

Thế Phương