Làm rõ hơn vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 16:09, 05/06/2014

(HNMO) – Làm rõ vai trò của chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của đối tượng này - đó là đề nghị của nhiều đại biểu khi thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Quốc hội chiều 5/6.


Đánh giá chung về dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, dự luật đã tổng hợp đầy đủ các văn bản nhà nước có liên quan, góp phần khắc phục, chấn chỉnh những bất cập hiện nay, đặc biệt là việc đầu tư dàn trải, ngoài ngành.

Theo các đại biểu, yêu cầu cao nhất với dự luật này là khi ra đời phải giúp ngăn chặn, hạn chế, phòng chống có hiệu quả việc thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong sử dụng phần vốn nhà nước tại các DN.

Để dự luật hoàn chỉnh hơn, các đại biểu Phùng Đức Tiến – Hà Nam, Thân Đức Nam – Đà Nẵng, Nguyễn Thị Hồng Hà – Hà Nội, Nguyễn Quốc Bình – Hà Nội, Nguyễn Mạnh Hùng – Thái Nguyên… đề nghị, dự luật nên tập trung vào thẩm quyền, trách nhiệm của người quản lý và quyết định đầu tư vốn nhà nước vào các DN.



Các đại biểu nhận xét, dự luật còn quy định sơ sài vấn đề người đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN, thiếu quy định ràng buộc để hạn chế những hành vi tiêu cực của đối tượng này. Việc siết chặt phạm vi đầu tư phải gắn liền với nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người, cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng dự luật quy định chưa tương xứng, chưa cụ thể và chưa có chế tài xử phạt hiệu quả.

“Một trong những lý do của việc ban hành luật là nâng cao quản lý tài sản Nhà nước khi đầu tư vào DN, muốn vậy phải siết chặt lĩnh vực đầu tư, dự luật quy định quá rộng, cơ bản không khác so với quy định hiện hành”, đại biểu Tiến nói.

Đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ CHí Minh cũng đề nghị dự luật làm rõ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN là người làm thuê hay ông chủ?

“Chúng ta đang có sự nhập nhằng trong quản trị. Muốn làm luật này, chúng ta cần hình dung được về mô hình, giải quyết mô hình rồi mới giải quyết cái cụ thể và phải làm sao để xóa bỏ được cơ chế chủ quản như hiện nay”, đại biểu Lịch nói.

Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình cho rằng, các quy định của dự luật phải tạo ra được một cuộc cải cách lớn về quản trị DN, có chế tài đặt DN nhà nước vào kỷ luật của cơ chế thị trường.

Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa thẩm quyền của Quốc hội trong việc bố trí, sử dụng phần vốn nhà nước tại các DN. Ngoài cơ chế như trong dự luật, cần có thêm quy định về cơ chế giám sát của từng cơ quan trong Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).

Vân An