Kiên trì, kiềm chế nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc
Đối ngoại - Ngày đăng : 15:03, 05/06/2014
Chủ trì họp báo có các ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư và ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Mở đầu buổi họp báo, ông Trần Duy Hải thông báo về tình hình căng thẳng đang diễn ra tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam thời gian qua.
Tiếp đó, ông Ngô Ngọc Thu tổng hợp tình hình tại thực địa sau hơn 1 tháng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nan
Đầu tiên, giàn khoan Hải Dương - 981 được đặt tại vị trí Tây-Nam đảo Tri Tôn, cách đảo Lý Sơn (Việt Nam) 19 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý.
Đến ngày 27-5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, nằm ở Đông-Nam đảo Tri Tôn khoảng 25 hải lý, vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam 57 hải lý.
Để bảo vệ cho giàn khoan Hải Dương - 981, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tàu bảo vệ đông đảo, thường xuyên có từ 40 tàu và ngày cao điểm lên tới 140 chiếc. Lực lượng tham gia bảo vệ cho giàn khoan bao gồm các tàu chấp pháp, tàu vận tải, tàu dịch vụ, tàu cá vỏ sắt với số lượng thường xuyên tăng từ hơn chục chiếc đến hơn 60 chiếc.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn đưa tàu chiến đến khu vực giàn khoan với 6 loại tàu chiến hiện đại: tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, tàu quét mìn… Ngoài lực lượng tàu, Trung Quốc còn huy động máy bay các loại hoạt động thường xuyên tại vùng hạ đặt giàn khoan trái phép, trong đó có các loại máy bay tuần thám biển, trinh sát cảnh báo xa và máy bay trực thăng và các máy bay chiến đấu.
Ngày cao điểm là 27-5, Trung Quốc sử dụng tới 9 lần chiếc tàu chiến để hộ tống giàn khoan di chuyển từ vị trí ban đầu đến vị trí mới.
Trung Quốc chia các tàu bảo vệ thành các nhóm, thường xuyên bám sát các tàu của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam, khi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 để yêu cầu rời khỏi vùng biển Việt Nam thì lập tức tàu Trung Quốc tiến hành bao vây hai bên mạn, phía trước phía sau và chủ động sử dụng tàu có khả năng cơ động cao đâm thẳng vào tàu Việt Nam.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia |
Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng các vòi rồng (súng bắn nước) có công suất lớn, phun trực tiếp vào tàu Việt Nam với áp suất nước rất cao, tác động làm vỡ cửa kính, hư hỏng thiết bị trên đài chỉ huy, trên khoang, mặt boong, gây thương tích cho các kiểm ngư viên Việt Nam. Ngoài tổ chức đâm va, phun nước, Trung Quốc còn sử dụng các máy phát âm tần, đèn pha công suất lớn, chĩa về phái tàu Việt Nam. Những dụng cụ này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 26-5, tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Đà Nẵng, Việt Nam tại vùng biển cách khu vực giàn khoan 17 hải lý. Trong quá trình tàu cá Việt Nam cứu vớt ngư dân ở tàu bị đâm chìm, các tàu khác của Trung Quốc tiến hành ngăn cản, không cho cứu vớt người bị hại.
Trong thời gian từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đến nay, các tàu của Trung Quốc đã tiến hành làm hư hỏng, đâm va đối với 24 tàu thực thi pháp luật Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư và 5 tàu cảnh sát biển.
Những hình ảnh tàu Trung Quốc cố tình đâm va vào tàu Việt Nam được cung cấp tại buổi họp báo |
Về phía Việt Nam, ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, lực lượng chấp pháp đã kịp thời có mặt. Việt Nam đưa ra hiện trường một số lượng tàu hạn chế để thực thi pháp luật, xua đổi việc xâm phạm trái phép. Trong quá trình hoạt động trên biển, lực lượng tàu Việt Nam thực hiện việc tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan bằng hệ thống loa phóng thanh, băng rôn, biểu ngữ. Ngoài ra, Việt Nam không sử dụng hình thức khác trên hiện trường.
“Mặc dù bị lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc đâm va, phun nước và sử dụng phương tiện khác gây tác động, ảnh hưởng, nhưng phía Việt Nam hết sức kiên trì, kiềm chế nhưng kiên quyết thể hiện sự có mặt, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình” – ông Thu khẳng định.
Tiếp đó, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết thêm, các tàu của Trung Quốc đã luôn chủ động tấn công, uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam. Lực lượng kiểm ngư có 19 tàu bị Trung Quốc chủ động đâm va, sử dụng vòi rồng gây thiệt hại, hư hỏng, làm cho 12 kiểm ngư viên bị thương. Đặc biệt nghiêm trọng, Trung Quốc có hành động uy hiếp, đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư |
“Trong thời gian này đang là đợt cao điểm vụ cá nam trên biển, bà con ngư dân miền Trung đang bám biển sản xuất. Tuy nhiên, chỉ tính từ ngày 7-5 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống, có 12 tàu cá Việt Nam bị tàu chiến, tàu ngư chính Trung Quốc phá hoại tài sản, xâm phạm thô bạo, cướp hải sản, ngư cụ…Có trường hợp tàu cá Trung Quốc bám đuổi, đâm chìm tàu cá Việt Nam đến khi bị lật” – ông Hà Lê nói.
Tại cuộc họp báo, đại diện Cục kiểm ngư cũng cung cấp những hình ảnh cụ thể về việc tàu Trung Quốc hoàn toàn chủ động đâm va, ủn đẩy đến mức tàu cá Việt Nam bị nhấn chìm trên biển.
Sang phần hỏi đáp, trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Ngô Ngọc Thu cho biết, giàn khoan Hải Dương - 981 di chuyển là chuyện bình thường bởi đây là giàn khoan nước sâu, phải định vị giàn khoan vào đúng vị trí thì mới có thể khoan được. Và từ khi di chuyển đến vị trí mới, đến nay, giàn khoan đã ổn định.
“Dù di chuyển như thế nào, cho đến lúc này, vị trí của Hải Dương - 981 vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” - ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Một phóng viên đến từ hãng thông tấn của Hoa Kỳ nêu câu hỏi: “Việt Nam có kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò như thế nào để hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình?”
Ông Lê Hải Bình điều hành cuộc họp báo |
Ông Lê Hải Bình cho rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực là lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các quốc gia liên quan, trong và ngoài khu vực. Thời gian qua, cùng cộng đồng quốc tế, Hoa Kỳ đã có tiếng nói nhằm đóng góp vào giải quyết những căng thẳng hiện nay ở khu vực. Việt Nam mong muốn Hoa kỳ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, hành động thiết thực hơn đóng góp vào hòa bình, ổn định an ninh, an toàn ở khu vực, giải quyết những tranh chấp trong khu vực bằng luật pháp quốc tế.
Phóng viên một hãng thông tấn Hoa Kỳ đặt câu hỏi tại cuộc họp báo |
Bày tỏ quan điểm về các biện pháp đấu tranh của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, ông Trần Duy Hải cho rằng: “Trong hơn một tháng qua, chúng ta đã nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc vẫn bất chấp, tiếp tục có hành động leo thang. Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì các biện pháp đấu tranh hòa bình, giải quyết bất đồng trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên Hợp Quốc".