"Loạn" giá sữa bán lẻ sau quy định áp trần

Xã hội - Ngày đăng : 11:12, 05/06/2014

Không phải cửa hàng, siêu thị bán sữa nào tại Hà Nội cũng “sẵn sàng giảm giá sữa”, thậm chí cho biết chưa nhận được thông tin gì từ nhà phân phối.

Các hãng sữa công bố chương trình hỗ trợ giá cho đại lý.


Theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng sữa bán buôn ở Hà Nội, 25 mặt hàng sữa của 5 hãng sữa bị áp giá trần theo quy định của Bộ Tài chính đã tuân thủ khá nghiêm túc. Do đó, một số cửa hàng cũng đã giảm giá bán lẻ sữa cho người tiêu dùng.

Chủ cửa hàng thực phẩm Hồng Thanh, Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: Cửa hàng nhận được thông báo từ nhà phân phối và thực hiện giảm giá bán lẻ đối với 5 dòng sản phẩm của Abbott bị áp giá trần kể từ ngày 28/5 vừa qua. Ví dụ như sản phẩm sữa Abbott Grow 3 (thường) có mức giá bán buôn 258.000 đồng/hộp 900g, giá bán lẻ mới cũng được cửa hàng này áp dụng ở mức 258.000 đồng/hộp, tức giảm hơn 50.000 đồng/hộp so với trước đây.

Hay như mặt hàng sữa Grow IQ 3+ của Abbott, sau khi thực hiện việc áp giá trần của Bộ Tài chính, từ mức 420.000 đồng/hộp 900g đã giảm xuống còn 360.000 đồng/hộp. “Dòng sản phẩm này chúng tôi nhập trước đây nhưng do được công ty hỗ trợ giá nên cửa hàng mới có thể giảm giá bán cho người tiêu dùng như vậy”, nhân viên cửa hàng cho biết.

Cũng theo khảo sát, mặt hàng có mức giá bán lẻ giảm mạnh nhất là sản phẩm Similac GainPlus IQ với Intelli Pro. Cụ thể, mức giá bán lẻ mới ở mức 727.000 đồng/hộp1,7 kg (tức giảm 138.000 đồng). Còn sản phẩm Grow G-Power vanilla được giảm xuống còn 641.000 đồng/hộp 1,7 kg (tức giảm 101.000 đồng).

Tuy nhiên, mức giảm giá của các mặt hàng sữa không thực sự đồng đều và không phải cửa hàng sữa nào cũng giảm giá bán lẻ. Khi được hỏi các mặt hàng nào được giảm giá, một cửa hàng trên phố Sơn Tây (Hà Nội) cho rằng: “Hiện cửa hàng vẫn bán với giá cũ, vì chưa thấy thông báo gì từ bên trên”.

Tại một siêu thị ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân chính (Hà Nội), nhân viên bán hàng cho hay, giá các loại sữa hộp cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn được niêm yết như trước đây. Một số nhãn sữa tại đây hiện đang có giá bán là: grow 1- 2 - 3 có các mức giá 168.000 đồng/hộp - 160.000 đồng/hộp - 150.000 đồng hộp trọng lượng 400g; Friso gold 900g có giá 460.000 đồng/hộp…

Hay như tại cửa hàng X.T trên phố Trường Chinh (Hà Nội), 25 nhãn sữa của 5 công ty bị áp giá trần đều đã giảm giá. Điển hình như với sữa grow 3, trước có giá bán 295.000 đồng hộp thì nay bán ra với giá 270.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, khi so sánh giá bán grow 3 tại cửa hàng này với một số cửa hàng khác, mức giá vẫn bị đắt hơn 12.000 đồng/hộp…

Lý giải về việc dù đã có giá trần nhưng mức giảm giá các mặt hàng sữa của các cửa hàng không tương đồng, chủ một cửa hàng sữa cho biết: Đó là do sau khi các hãng sữa áp giá trần, các cửa hàng bán lẻ được quyền cộng thêm 15%. “Thế mới có chuyện, một hộp sữa Abbott, nơi này bán 258.000 đồng/hộp, nơi kia bán 270.000 đồng/hộp. Hiện nay, chúng tôi không tính chuyện lợi nhuận, mà chỉ mong giảm giá để bán hết số hàng tồn kho”, chủ cửa hàng này nói.

Cũng theo tiết lộ của chủ hãng sữa này, không phải cửa hàng bán sữa nào trên địa bàn Hà Nội cũng được hỗ trợ để giảm giá. “Chỉ những cửa hàng hợp tác với công ty mới được bù giá. Nhiều người cũng thắc mắc là tại sao sữa loại này cửa hàng này bán giá này, cửa hàng kia lại bán giá khác. Rất nhiều cửa hàng nhỏ lẻ nhập sữa từ nguồn không chính thức nên không được công ty áp giá trần, thế nên họ không thể giảm giá bán cho khách hàng cũng vì lẽ đó”, chủ một cửa hàng nữa cho hay.

Theo quy định, các hãng sữa chính thức áp giá trần kể từ ngày 1/6, sau đó 20 ngày tức từ ngày 21/6, Bộ Tài chính cũng sẽ áp giá trần bán lẻ mặt hàng sữa. Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng (+) các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Trong đó, tỷ lệ 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất. Theo đánh giá của chính các cửa hàng kinh doanh sữa, chính sách này: “Áp giá trần nhưng có độ thoáng, tức được cộng thêm 15% nên tính ra giá sữa sẽ không bị giảm như chúng tôi lo ngại. Nói thật là chúng tôi vẫn có thể lách luật được, có muốn hay không thôi”, một “đầu nậu” sữa tại Hà Nội nói.

“Động thái áp giá trần của các nhãn sữa từ 1/6 là được rồi. Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh là thông tin chung và để người dân được hưởng quyền lợi chính xác, rất cần các cơ quan chức năng công bố các cửa hàng sữa áp giá trần bán lẻ và bán buôn để người tiêu dùng tìm đến đúng địa chỉ. Thế giá mới chuẩn và cửa hàng nào muốn nâng giá bán, lách luật cũng khó”, một cửa hàng sữa tại Giảng Võ (Hà Nội) đề xuất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng tiêu thụ sữa tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội bị ảnh hưởng khá nhiều bởi chính sách áp trần giá sữa. “Nhiều mẹ vẫn chờ giá xuống tiếp, không mua một lúc 3 - 4 hộp, thậm chí cả thùng sữa về cho con uống dần như trước đây nữa”, nhân viên cửa hàng sữa H.T, Sơn Tây (Hà Nội) nói.

Theo An Hạ