Tranh chấp trên Biển Đông có nguy cơ trở thành khủng hoảng toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 05:57, 05/06/2014
Đây được coi là thông điệp rõ ràng nhất của người đứng đầu Chính phủ Australia nhằm vào các hành vi gây hấn gần đây của Trung Quốc tại khu vực. Phát biểu trước khi rời Australia tới thăm Indonesia, ông Abbott nói: "Chính phủ Australia từ lâu đã có một lập trường nhất quán. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ và không tán thành các hành động đơn phương. Australia cho rằng, không quốc gia nào có quyền khiêu khích... Các tuyên bố về chủ quyền cần được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế". Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trên vùng biển của Việt Nam và đưa một phần khu vực biển xung quanh quần đảo Natuna mà Indonesia tuyên bố chủ quyền vào cái mà Bắc Kinh gọi là "đường lưỡi bò" ở Biển Đông.
* Tại cuộc hội thảo với chủ đề "Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông" do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3-6 tại thủ đô Washington (Mỹ), các học giả đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông do các hành động gây hấn của Trung Quốc. Các học giả cho rằng, các diễn tiến trong vài tuần qua cho thấy tranh chấp kéo dài này có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Tại hội thảo, Giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc Robert Daly, cho rằng, các bên liên quan trong tranh chấp tại Biển Đông vẫn chưa nhất trí với nhau về bản chất của các tranh chấp này và vẫn chưa bắt đầu tiến hành các cuộc thảo luận về các biện pháp nhằm kiểm soát tranh chấp một cách hòa bình. Đây là lý do mà tranh chấp có thể trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các học giả nhấn mạnh, cần sớm kết thúc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và phải có cơ chế bảo đảm thực thi COC có hiệu quả.
* Tại thủ đô Brussel, Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ - Việt phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại đây vừa tổ chức hội thảo "Các sự kiện tại Biển Đông: Khía cạnh pháp lý và hệ lụy về thương mại". Tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã thông báo tóm tắt việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông từ đầu tháng 5 vừa qua và việc Trung Quốc dùng tàu với sự yểm trợ của máy bay tấn công và đâm vào tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982 mà Trung Quốc đã ký cũng như DOC, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột.
Thay mặt nhóm các nghị sĩ Liên minh Châu Âu (EU), Nghị sĩ Marc Tarabella phụ trách các vấn đề ASEAN tại Nghị viện Châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Ông cho rằng những căng thẳng trên biển sẽ ảnh hưởng tới thương mại trên thế giới. Ông Tarabella khẳng định, EU sẽ làm trung gian hòa giải trong vấn đề này nhằm giúp các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một thỏa thuận chung phù hợp.