Khẳng định vị thế siêu cường

Thế giới - Ngày đăng : 05:52, 05/06/2014

(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến công du 5 ngày (từ ngày 2-6) tới 3 quốc gia Châu Âu gồm Ba Lan, Bỉ và Pháp.


Trọng tâm của các cuộc thảo luận với lãnh đạo Châu Âu là tìm kiếm những nỗ lực chung nhằm ủng hộ chính phủ mới được bầu tại Ukraine, tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của Lục địa già và tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán về Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại (TTIP) giữa Mỹ và Châu Âu. Nhưng quan trọng hơn, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã làm đổi thay mạnh mẽ trật tự chính trị và an ninh toàn cầu thì chuyến vượt Đại Tây Dương lần thứ hai của ông chủ Nhà Trắng trong năm 2014 còn mang thông điệp mạnh mẽ hơn. Đó là tái khẳng định những cam kết bảo vệ an ninh cho các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở phía Đông, đồng thời tiếp thêm sinh khí cho tổ chức này trong bối cảnh vai trò của NATO trở nên đặc biệt quan trọng kể từ sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết đến nay.

Tổng thống Mỹ B.Obama (trái) và người đồng cấp Ba Lan B.Komorowski tại thủ đô Varszawa của Ba Lan.



Tổng thống B.Obama đến Ba Lan vào một thời điểm có sự hoài nghi về thiện chí của nước Mỹ trong cuộc đối đầu quyết liệt hơn với Nga. Nói cách khác, các đồng minh và đối tác của Mỹ đang chờ đợi ông B.Obama giải thích về chính sách của nước này đối với Nga, Trung Âu và Đông Âu cũng như tương lai lá chắn chống tên lửa của Mỹ ở Châu Âu. Bởi thế, khi vừa đặt chân đến Ba Lan, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp chủ nhà Bronislaw Komorowski, Tổng thống B.Obama đã làm yên lòng giới lãnh đạo Ba Lan với tuyên bố: "Cam kết của Mỹ về bảo vệ an ninh cho Ba Lan và các đồng minh của Mỹ ở Trung Âu, Đông Âu là nền tảng cho an ninh của chính nước Mỹ và đây là vấn đề bất khả xâm phạm". Cũng tại cuộc họp báo này, người đứng đầu nước Mỹ đã thông báo kế hoạch "Sáng kiến Tái bảo đảm Châu Âu" trị giá 1 tỷ USD để triển khai bộ binh, không quân và hải quân ở Đông Âu. Khoản chi này được dùng để củng cố quốc phòng của các nước không phải thành viên NATO như Ukraine, Gruzia, Moldova và còn phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Song, trong bối cảnh của mối quan hệ cực kỳ căng thẳng với Nga thì không có nhiều nghi ngờ về việc quyết định chi tiêu của ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp khó khăn tại đồi Capitol. Sự kiện trên nhằm mục đích xóa tan các lo lắng về nguy cơ sự mở rộng ảnh hưởng của Nga tại khu vực sẽ phương hại đến lợi ích của các quốc gia này. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả là ngân khoản trên đã đánh dấu một sự thay đổi lớn sau hơn hai thập kỷ Mỹ cắt giảm sự hiện diện ở khu vực Đông và Trung Âu.

Chiến lược này cũng được khẳng định với tuyên bố của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Mỹ Derek Chollet hôm 2-6, rằng cam kết về an ninh chung trong khu vực sẽ được thực hiện thông qua hàng loạt hành động nhằm trợ giúp các đồng minh của NATO và các đối tác. Bên cạnh đó, ông Chollet cũng cho biết, việc Lầu Năm Góc tăng cường triển khai lực lượng trên không, trên bộ và trên biển ở Đông Âu là minh chứng rõ ràng cho cam kết lâu dài và bền vững của Mỹ đối với sự ổn định của khu vực và liên minh quân sự NATO. Từ ngày 23-5, Mỹ đã triển khai tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga USS Vella Gulf tới Biển Đen. Trước đó, Mỹ đã đưa tàu chiến USS Donald Cook và tàu sân bay USS Taylor tới khu vực này. Các tàu chiến của Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường khả năng tương tác cũng như tính sẵn sàng chiến đấu.

Khi cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và tiếp tục là tâm điểm của những căng thẳng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Đông - Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh, chuyến công du của Tổng thống B.Obama chủ yếu nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu. Với những cam kết về an ninh cho khu vực, Washington cũng khẳng định vị thế lớn hơn tại vùng đất nhạy cảm này như lời bác bỏ những nghi ngờ rằng cường quốc số 1 thế giới không thể trở lại Đông Âu trong khi đang nỗ lực xoay trục sang Châu Á.

Thùy Dương