Băn khoăn việc giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng

Đời sống - Ngày đăng : 10:37, 04/06/2014

(HNMO) – Sáng 4/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.


Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng và đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung Luật sẽ góp phần đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Góp ý về quy định Nhà chức trách hàng không, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, vì cho rằng quy định như vậy là đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu đặc thù của ngành hàng không dân dụng.

Ủng hộ quan điểm trên có đại biểu Nguyễn Viết Nhiên - Hải Phòng. Theo đại biểu, việc quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật là hợp lý. Nhà chức trách hàng không có trách nhiệm giúp bộ giao thông thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hiện việc xác định chủ thể nhà chức trách hàng không trong dự luật còn chưa rõ ràng, có văn bản xác định nhà chức trách hàng không Viêt Nam là Cục hàng không Việt Nam, có văn bản lại xác định là Bộ trưởng bộ Giao thông…. Dự thảo luật cần làm rõ khái niệm này và quy định cụ thể cụ thể hơn nhà chức trách hàng không.


Về quản lý giá hàng không nội địa, đại biểu Lê Trọng Sang – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc áp dụng khung giá độc quyền là không cần thiết, nên để thị trường quyết định theo quy luật cung-cầu, áp dụng cơ chế thị trường, bỏ giá trần với hàng không nội địa.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định này để tạo điều kiện có lợi hơn, thực hiện đúng chủ trương cổ phần hóa và xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hành khách và người tiêu dùng.

Cũng liên quan đến các dịch vụ hàng không dân dụng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh– Bình Định cho biết, nhiều hãng hàng không cung cấp dịch vụ bán đồ ăn, quà tặng… trên tàu bay nên dịch vụ phi hàng không phải được áp dụng cả trên tàu bay

Đặc biệt, về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, các đại biểu đề nghị dự luật cần quán triệt yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Một số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông vận tải nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoài Phương - Tây Ninh cho rằng, không thể đồng nhất sân bay chuyên dụng với sân bay dân dụng. Vì vậy, nên quy định giao Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dụng, có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải.

Quan điểm này nhận được sự chia sẻ từ các đại biểu Lê Trọng Sang – TP. Hồ Chí Minh, Phan Văn Trường – Thái Nguyên. Theo các đại biểu, cần phải nhìn nhận về bản chất của sự việc là sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế, chứ không phải là kinh tế, quốc phòng; ở đây phải đặt yếu tố quốc phòng lên hàng đầu, nếu giao cho Bộ giao thông thì sẽ làm giảm tính chủ động với các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ngoài các nội dung trên, tại phiên làm việc, các đại biểu còn cho ý kiến về việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; Cảng vụ hàng không; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; đảm bảo hoạt động bay; vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh; thanh tra hàng không…

Vân An