Đề xuất bỏ việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với đa số dự án
Kinh tế - Ngày đăng : 10:21, 04/06/2014
Theo Chính phủ, Luật đầu tư được Quốc hội thông qua năm 2005 trên cơ sở hợp nhất Luật đầu tư nước ngoài và Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Việc ban hành Luật này là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Những quy định của Luật đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một số rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số quy định của Luật đầu tư đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật đầu tư; chính sách bảo đảm đầu tư; lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và lĩnh vực ưu đãi đầu tư, quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài... đòi hỏi phải sửa đổi Luật đầu tư để thích ứng với yêu cầu cao hơn của quá trình phát triển kinh tế, xã hội cũng như thực hiện cam kết quốc tế về tự do hóa đầu tư.
Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội về cơ bản tiếp tục duy trì kết cấu của Luật Đầu tư hiện hành với 9 Chương, 84 Điều. So với Luật Đầu tư hiện hành, Dự thảo Luật giữ nguyên 4 điều, sửa đổi 31 điều, bổ sung 9 điều mới và bỏ 31 điều, trong đó sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, Luật bỏ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước vì nội dung này đã được quy định trong Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Về chính sách bảo đảm đầu tư, dự thảo Luật hoàn thiện các quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư phù hợp với quy định tương ứng của Hiến pháp; cụ thể hóa cam kết của nhà nước trong việc đối xử không phân biệt giữa các nhà đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế; sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm cụ thể hóa những nguyên tắc và điều kiện thực hiện biện pháp không hồi tố trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư hoặc ưu đãi đầu tư đã áp dụng đối với nhà đầu tư.
Về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, dự luật bổ sung vào Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, cụ thể hóa tiêu chí xác định một số dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư chưa được quy định rõ trong Luật hiện hành (như về bảo vệ môi trường sinh thái gồm dự án thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, khí thải).
Để khắc phục việc áp dụng ưu đãi đầu tư tràn lan đối với tất cả các dự án thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn không áp dụng đối với các dự án khai thác khoáng sản; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đặc biệt, về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Thông báo đầu tư, dự luật đã bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư, trừ dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Quy định này được áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thông báo dự án đầu tư gồm những nội dung cơ bản về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời hạn dự án, tiến độ thực hiện. Trong trường hợp hồ sơ thông báo không hợp lệ hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật, Cơ quan quản lý đầu tư thông báo cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của nhà đầu tư. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Thông báo đầu tư và phải thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng thông báo.
Theo Chính phủ, việc áp dụng thủ tục thông báo đầu tư không tạo thêm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài vì thực chất quy định này chỉ nhằm đổi mới phương thức quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài từ việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang cơ chế nhà đầu tư thông báo hoạt động đầu tư, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình và cơ quan quản lý thực hiện “hậu kiểm” cũng như xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của pháp luật. Đây cũng căn cứ để ràng buộc, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Việc thực hiện quy định này không trái với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế .
Về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, dự luật bổ sung quy định nhằm khẳng định nguyên tắc: nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế đất nước; hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác và đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước, Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư doanh nghiệp nhà nước ở nước ngoài. Việc quyết định đầu tư ra nước ngoài sử dụng nguồn vốn khác thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật liên quan.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ.
Về cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, đa số ý kiến cho rằng trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, nước ta rất cần vốn để phát triển kinh tế thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bổ sung các quy định tại Chương VII để nâng cao hiệu quả của việc quản lý nhà nước về đầu tư với những dự án đầu tư ra nước ngoài.
Ngày 13/6, Quốc hội sẽ có phiên thảo luận đầu tiên tại tổ về dự án luật này.