Mất đất, sạt nghiệp vì sự cố đê
Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 04/06/2014
Trên tuyến đê tả Bùi, ông Nguyễn Khả Phẩm, thôn 5, xã Quảng Bị (Chương Mỹ) cho biết, cứ vào mùa mưa bão tình trạng sạt lở lại diễn ra ở đây với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Năm 2013, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5 và số 6, lũ rừng ngang đổ về làm nước sông dâng cao khiến nhà cửa, tài sản bị ngập, hàng trăm hộ dân phải đi sơ tán. Nghiêm trọng nhất là sau khi nước rút đã kéo nhiều diện tích đất vườn của các hộ dân xuống mép sông; thậm chí có hộ dân ở đội 9, nhà cửa, khu chăn nuôi bị trôi xuống lòng sông. Còn ông Đỗ Viết Muộn ở thôn 5 cho biết, năm 2013 nước sông đã gây sụt khoảng 100m2 đất vườn của gia đình, nhiều điểm ăn sâu vào sát sân và công trình phụ, gia đình phải chở đất, đá về gia cố. "Ngay như trận mưa đầu mùa 2014, đất trong vườn cứ ùm ùm lở trôi xuống sông, gia đình tôi không có cách nào hạn chế được" - ông Muộn cho biết.
Qua khảo sát, tuyến đê tả Bùi chạy qua địa bàn xã Quảng Bị dài khoảng 4km xuất hiện 3 điểm sạt lở nghiêm trọng. Tại vị trí K10+400 (đội 8) sạt lở mái đê theo chiều thẳng đứng, sâu 0,5m kéo dài 160m làm sụt toàn bộ chân đê; vị trí K13 (đội 10), sạt mái đê dài 300m, ăn sâu vào mặt đường giao thông, sâu 0,3m gây nứt, gãy mặt đường chạy dọc theo đê từ 5m đến 20m; vị trí K13+600, vết sạt dài 90m, sâu 0,5m... Ngoài ra, phía hạ lưu vị trí K13 còn sạt lở mái đê dài 55m, có hiện tượng nước sông thẩm thấu qua thân đê chảy ngược vào trong đồng. Ông Bùi Tuấn Cử, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ dân với khoảng 1.700 nhân khẩu sinh sống lâu đời ở phía ngoài đê nên thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang chưa được xử lý khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Qua tìm hiểu, thời gian qua, trên các tuyến đê chống lũ thuộc TP Hà Nội liên tiếp xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng. Trên đê hữu Hồng, tại vị trí tương ứng K7+600 đến K8+000 thuộc địa bàn xã Cổ Đô (Ba Vì), do dòng chảy nhánh phụ sông Hồng áp sát khoét vào bãi cát sa bồi đã tạo thành vách đứng rất nguy hiểm. Còn tại khu vực kè hữu Hồng xã Phương Độ (Phúc Thọ) dài khoảng 1,5km xuất hiện nhiều cung sạt dài hàng chục mét, lõm sâu nối tiếp nhau. Chị Nguyễn Thị Thu ở cụm dân cư số 2, xã Phương Độ cho biết, trước đây khu vực này có nhiều cồn cát, người dân trong xóm vẫn xuống lấy nước tưới rau và tắm giặt. Thế nhưng sáng 20-4-2014, sông Hồng thay đổi dòng chảy, áp sát phía chân kè tạo thành những xoáy nước rất sâu. Những cồn cát bảo vệ chân kè đã bị xoáy nước cuốn trôi, tạo thành những hõm nước sâu, áp sát mái kè, người dân không dám ra đây tắm giặt. Ông Khuất Quang Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ cho biết, hiện nay khu vực ngoài đê hữu Hồng có 44 hộ dân với khoảng 190 nhân khẩu sinh sống và gần 26ha đất ở và đất vườn của nhân dân thường xuyên bị ảnh hưởng khi nước sông Hồng dâng cao. Trong khi đó, đoạn kè từ K34+700 đến K36+000, phần chân kè đã bị nước cuốn trôi, nhiều vị trí mái và chân kè đã bị sạt toàn bộ, có chỗ cung sạt đứng, lấn sâu vào sát dầm chân kè gây lún nứt, gẫy mái kè, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của tuyến đê hữu Hồng và tính mạng, tài sản của người dân cụm dân cư số 2, xã Phương Độ.
Theo báo cáo của các địa phương, các tuyến đê cấp III, cấp IV và cấp V sự cố sạt lở đê điều cũng khá phức tạp. Mới đây, tuyến đê hữu Đáy đoạn qua huyện Quốc Oai tương ứng với vị trí K10+750 xảy ra sự cố lún sụt đường hành lang phía sông. Tương tự, trên địa bàn huyện Thanh Oai, bờ tả sông Đáy thuộc địa bàn xã Kim Thư và Phương Trung gần 1km xuất hiện nhiều cung sạt lở nguy hiểm. Tại huyện Mỹ Đức, tuyến đê hữu Đáy dài khoảng 3km thuộc địa bàn xã Phúc Lâm - An Mỹ đã bị sạt lở khiến người dân bất an...
Trao đổi nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sự cố đê điều trong thời gian qua, cơ quan quản lý đê điều Hà Nội nhận định do sự thay đổi của dòng chảy các con sông. Bên cạnh đó, việc khai thác cát trái phép cũng là nguyên nhân tác động đến quá trình sạt lở. Trong các cuộc làm việc, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, do diễn biến bất thường của thời tiết và với thực trạng đê điều của Hà Nội hiện nay, Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội cần khẩn cấp đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục công trình để bảo đảm an toàn đê điều, phòng chống lụt bão hiệu quả. Đồng thời, cơ quan chức năng của thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát và mở bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép ven sông.