Cơ quan quản lý phớt lờ !

Văn hóa - Ngày đăng : 06:10, 04/06/2014

(HNM) - Thời gian gần đây, người dân và du khách đến cụm di tích (DT) quốc gia đình, chùa, Bia Bà La Khê, phường La Khê (Hà Đông) tham quan, chiêm bái bất ngờ khi thấy bảng điện tử (led) kích thước lớn ngay lối ra vào, nhìn rất phản cảm.


Điều đáng nói là tấm bảng này được lắp dựng không phép trong khu vực bất khả xâm phạm của DT, các cơ quan chức năng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu UBND phường La Khê chỉ đạo BQL di tích đình, chùa, Bia Bà La Khê (BQL DT La Khê) tổ chức tháo dỡ, di chuyển ra vị trí phù hợp, hoàn trả nguyên trạng, bảo đảm cảnh quan cho DT nhưng đến nay, tấm bảng đó vẫn ngang nhiên tồn tại.

Bảng led kích thước lớn lắp đặt trái phép trong khu vực bảo vệ I của di tích đình, chùa, Bia Bà La Khê.


Cách ghi nhận công đức "lạ"

Có mặt tại khu DT đình, chùa, Bia Bà La Khê vào một ngày đầu tháng 6, chúng tôi ghi nhận bảng led có diện tích khoảng 20m2, lắp dựng kiên cố, công phu phía bên phải lối vào chính của khu DT. Tuy bảng led nằm ở ranh giới giữa đình và chùa, nhưng bằng mắt quan sát thông thường cũng có thể thấy tấm bảng này ít nhiều làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan trang nghiêm, cổ kính của khu DT.

Giải thích về sự tồn tại của tấm bảng, ông Nguyễn Thế Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường La Khê, kiêm Trưởng BQL DT La Khê cho hay: "Bảng led được lắp đặt từ cuối năm 2013, do nhà máy A40 (đơn vị đóng trên địa bàn phường) thực hiện nhằm quảng bá, giới thiệu về DT, lễ hội truyền thống của La Khê; đồng thời công khai, minh bạch số tiền công đức. Đây là tâm nguyện của nhân dân, du khách thập phương". Theo phản ánh của một số hộ dân, khi mới lắp dựng, bảng led hiện đại này chủ yếu để lưu tên, giới thiệu những người phát tâm công đức cho DT, thời gian sau nó được dùng để quảng bá về DT, lễ hội truyền thống La Khê và hiện tại đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, bản thân những người hằng ngày gắn bó với DT khi được hỏi cũng không hiểu vì sao tấm bảng có giá trị hàng trăm triệu đồng liên tục thay đổi công năng như thế. Với nhiều người đi lễ, họ cho rằng cách tri ân những người phát tâm công đức như BQL DT La Khê làm là không cần thiết. "Nhiều năm nay, ngày rằm, mùng một nào tôi cũng đi lễ ở đình, chùa, Bia Bà và chứng kiến DT được tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trang phần lớn từ nguồn xã hội hóa, tôi rất vui. Nhưng, tôi nghĩ rằng, công đức là cách thể hiện tâm thành, người quản lý, trông coi DT sử dụng đúng mục đích nguồn công đức ấy là đủ" - Bà Nguyễn Thị Hoa, trú tại đường Nguyên Hồng (Đống Đa) chia sẻ.

Nói về tấm bảng led ghi nhận công đức, ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông khẳng định, tấm bảng này sẽ không có gì đáng nói, không ảnh hưởng đến ai nếu nó được lắp dựng đúng quy trình, thủ tục và không nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của DT.

Đình La Khê được cho là xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Đình thờ hai vị thành hoàng là Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa. Trong quần thể đình còn có đền thờ (nhà mẫu) đặt bia thờ Đức Thánh Bà (còn gọi là Bia Bà). Cạnh đình là chùa Diên Khánh (Diên Khánh tự), tương truyền xây dựng từ đời nhà Lý. Đình và chùa còn giữ lại được nhiều hiện vật quý hiếm. Chùa Diên Khánh được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989, đình được xếp hạng năm 1998.

Bỏ qua mọi chỉ đạo

Do bảng led lắp dựng không phép trong khu vực bảo vệ I (khu vực bất khả xâm phạm) của DT La Khê, nên tại buổi làm việc với UBND phường La Khê về công tác chuẩn bị cho lễ hội La Khê xuân Giáp Ngọ, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông đã đề nghị phường La Khê cho dừng hoạt động của bảng led. Ngày 13-3, đại diện BQL di tích danh thắng (Sở VH,TT&DL Hà Nội), Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông tiếp tục làm việc với UBND phường và BQL DT La Khê một lần nữa khẳng định vị trí lắp đặt bảng led nằm trong khu vực bảo vệ I, yêu cầu địa phương tháo dỡ, làm hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng, lắp đặt theo đúng quy định. Chưa dừng lại ở đó, ngày 2-4, UBND quận Hà Đông có Văn bản số 526/VP-UBND chỉ đạo phường La Khê tổ chức tháo dỡ bảng led, hoàn trả nguyên trạng, hoàn thành và báo cáo UBND quận trước ngày 1-5. Ngày 4-4, UBND phường La Khê cũng đã có phiếu giao nhiệm vụ cho BQL DT yêu cầu BQL thực hiện nội dung Văn bản 526 của UBND quận.

Giữa tháng 4, đoàn cán bộ của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT& DL) trực tiếp xuống DT kiểm tra và yêu cầu ngành văn hóa Hà Nội sớm xử lý triệt để. Trên tinh thần đó, nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều cuộc làm việc giữa các ngành chức năng với phường La Khê và BQL DT tiếp tục diễn ra trong tháng 4 và tháng 5 nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, Công văn số 784/UBND-VHTT ngày 14-5 của UBND quận Hà Đông đã yêu cầu cụ thể chủ tịch UBND phường La Khê nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các bộ phận, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả kiểm điểm lên quận trước ngày 18-5, song hiện tại vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào nhận trách nhiệm hoặc bị xử lý. Như vậy, đã thấy rõ những người có trách nhiệm quản lý, trông coi DT "phớt lờ", bỏ qua mọi sự chỉ đạo của cấp trên. Theo ông Nguyễn Thế Hoàng, sở dĩ bảng led chưa được di chuyển vì nếu di chuyển sẽ gây bức xúc trong nhân dân và du khách. Hơn nữa, các cơ quan chức năng kết luận tấm bảng lắp dựng trái phép, vi phạm Luật Di sản văn hóa, nhưng lại không nói rõ sai cái gì, vi phạm điều khoản nào của luật nên không đủ sức thuyết phục.

Căn cứ vào thực tế và tấm bảng led cỡ lớn hiện vẫn tồn tại trong khu vực I của DT quốc gia nổi tiếng thì lý lẽ mà Trưởng BQL DT La Khê Nguyễn Thế Hoàng đưa ra để biện minh cho việc chậm trễ xử lý sai phạm là khó có thể chấp nhận. Càng vô lý hơn khi ông Nguyễn Thế Hoàng cùng một số cán bộ phường La Khê và BQL DT đã ký vào nhiều biên bản làm việc với các ngành chức năng, trong đó có nội dung khẳng định việc lắp đặt bảng led khi chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng trong khu vực bảo vệ I của DT.

Rõ ràng, việc tự ý lắp đặt bảng led trong khu vực bảo vệ I của DT La Khê là vi phạm quy định của pháp luật về Di sản văn hóa, vi phạm Chương trình 04 của Quận ủy Hà Đông về công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Đó là chưa kể tới việc, tượng Bồ Tát bạch y ở sân chùa hiện nay cũng là hiện vật mới của DT, do một cá nhân phát tâm công đức đã tồn tại nhiều năm. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết triệt để.

Nhóm PV Ban Văn hóa - Xã hội