Chuyện nhặt trên đất hùng binh Hoàng Sa
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:52, 03/06/2014
1. Ông Trương Văn Sơn, thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn - một thời là ngư dân tung hoành ngang dọc Hoàng Sa, giờ tuổi cao và cả yếu vốn hùn đóng tàu đành rời biển lên bờ. Thế nhưng ông Sơn vẫn nghĩ ra một cái nghề "độc nhất vô nhị" bám biển để sống. Đó là nghề "tuần biển". Đây là nghề bám biển nhưng khác biệt hoàn toàn với tất cả những nghề có liên quan đến biển. Lý giải nôm na, "tuần biển" là đi dọc bờ biển mỗi đêm để thu nhặt những món đồ "ve chai" trôi dạt vào bờ biển. Nhưng với ông Trương Văn Sơn "tuần biển" không chỉ có vậy…
Bùi Huệ với nghị lực phi thường "bám biển, bám đảo". |
Người đi biển ở hòn đảo tiền tiêu này không ai không biết ông Sơn cũng bởi ông làm nghề "tuần biển" và cũng bởi ông Sơn nghèo nhưng sống rất nghĩa tình. Chúng tôi ra đảo, đến nhà ông Sơn để tìm hiểu về cái nghề tuần biển. Ông Sơn chỉ nói mỗi một câu: "Muốn biết thì 21h đêm nay đến đây đi cùng tôi. Nghề này nếu có kể cũng chẳng thể hiểu hết. Nếu trời nổi giông gió thì càng thích".
Chúng tôi đành trở về phòng trọ và mở radio nghe bản tin dự báo thời tiết của Đài Tiếng nói Việt Nam phát vào cuối buổi chiều. "Đêm nay, vùng biển Quảng Ngãi có gió Tây nam cấp 3 cấp 4". 20h đêm, chúng tôi đã khấp khởi đến nhà ông Sơn để cùng ông đi "tuần biển". Ông Sơn dẫn chúng tôi ra bờ biển phía đông đảo Lý Sơn sát ngọn núi dưới chân Chùa Đục. Màn đêm tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió rít và sóng biển gào thét. Tiếng chuông chùa vọng ra từng hồi quyện theo gió biển khiến cái tĩnh mịch, cô quạnh thêm ngấm vào da thịt. Cả 3 người chúng tôi chẳng ai nói với ai lời nào, cứ đếm bước đều đều trên cát trắng trong màn sương đêm pha lẫn mưa phùn. Đi được khoảng 1km dọc theo bờ biển, bỗng ông Sơn dừng lại, dùng chiếc đèn pin quét qua quét lại trên mặt biển loang loáng nước. Hình như có thứ gì đó đang nổi trên mặt biển cách bờ khoảng hơn chục mét, ông Sơn để lại chiếc đèn pin trên bờ, bơi ra. 5 phút sau, ông Sơn đưa vào bờ một tấm lưới và mấy quả cầu nhựa to bằng vành nón lá. Đưa tay vuốt nước biển bám đầy khuôn mặt, ông Sơn bảo: "Nghề tuần biển là thế đấy. Đi dọc theo bờ biển, có thứ gì của ngư dân bị sóng to đánh trôi dạt vào bờ, nhặt rồi đem về bán cho vựa ve chai kiếm tiền". Vừa nói, ông Sơn vừa cười khà khà.
"Cái nghề tuần biển này ngặt lắm. Mình phải đợi cho đêm xuống, trời "săn" gió lớn mới đi làm, thế nên hiểm nguy luôn rình rập. Nhiều hôm chẳng nhặt được gì nhưng lại vớt được xác ngư dân…" - ông Sơn nói. Ông kể cho chúng tôi nghe về lần đầu tiên trong nghề tuần biển ông "nhặt" được xác một ngư dân xấu số. Đó là vào năm 1999 khi cơn bão lịch sử quét qua vùng biển Lý Sơn. Đêm đó ông vẫn đội nón, mang áo mưa đi về phía biển. Mới "đi tuần" được một đoạn, chân ông như khựng lại khi thấy trước mặt mình một người đàn ông nằm úp mặt xuống cát. Ông đưa đôi bàn tay xù xì vỗ nhẹ lên vai người ấy nhưng không thấy cử động. Ông chạy về gõ cửa ông hàng xóm Võ Xuân Thành - khi ấy là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lý Sơn. Rồi ông lại vội vàng quay ra biển với người ngư dân xấu số ấy. Vài tiếng sau, mọi người tổ chức đưa thi thể người ngư dân - cũng là hàng xóm của ông về mai táng.
Ở Lý Sơn, người làm nghề như ông Sơn có đến cả đội. Họ không chỉ "thu lượm ve chai" là những mảnh vỡ của thân tàu, lưới, phao, hàng hóa trôi dạt trên biển. Họ còn ra bờ biển để làm "nghĩa vụ" giúp đỡ ngư dân xấu số gặp nạn trên biển được sóng gió đưa trở về với đảo. Hầu như những người làm nghề "tuần biển" ở Lý Sơn đều từng một lần làm tròn cái "nghĩa vụ" ấy. Ông Bảy Thấu, 52 tuổi - người đã làm nghề tuần biển từ khi lên tám tuổi trên đảo Lý Sơn kể: "Tôi đã có năm lần gặp ngư dân chết trôi dạt vào bờ. Có khi còn lành lặn, nhưng cũng lắm lúc chỉ còn một phần thân thể. Thương đến chảy nước mắt!".
2. Chuyến đi đảo Bé (xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn) lần này của chúng tôi thật may mắn. Gió lặng, trời êm, tàu đi một mạch 4 giờ trên biển là đến đảo Bé. Vừa bước xuống cầu cảng, chúng tôi bắt gặp một thanh niên bị liệt ngồi trên chiếc xe có 3 chú chó kéo đi. Lại gần, trò chuyện, anh nói: "Tôi tên Bùi Huệ, nhà ở thôn Bắc của hòn đảo nhỏ này. Lát nữa, các bạn về nhà tôi chơi".
Bùi Huệ sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ, thấp, xoay mặt ra biển. Sóng vỗ ầm ầm cách hiên nhà chỉ vài chục mét. Huệ vừa trải qua một cơn thập tử nhất sinh do di chứng lặn biển hành hạ. Ông Bùi Mã (bố Huệ) dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cua dẹt (cua đá) ở góc vườn sau nhà… Đó là một khoảng cây cối xanh um phủ trên những đống đá xám xịt. Ông Mã lật từng viên đá để tìm cua. Lũ cua bị dồn bắt rúc vào cát trắng. Ông nhanh tay bới cát và nhặt lên những con cua tím rịm, to bằng nắm tay em bé bỏ vào chiếc thùng nhựa. Chốc lát, thùng đã đầy cua.
Tôi thật sự ngỡ ngàng vì trong sự im lìm của khu vườn, dưới những tảng đá tối om om ấy toàn cua là cua. Nghe mọi người cười vang ở cuối khu vườn, Huệ ráng ngồi lên xe lăn, gọi ba chú chó đến mắc vào dây kéo xe ra xem sao. Chỉ vào những con cua dẹt Huệ nói rằng: "Em nuôi cua để có thêm thu nhập kiếm gạo ăn và tích cóp sửa lại ngôi nhà. Việc nuôi cua này phù hợp với bản thân em vì vốn ít, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Bán một kilôgam cua mua được gần 10 ký gạo. Nghĩ thế nên em quyết làm". Huệ kể, để có được "vườn" cua này, phải mất 4 năm ròng rã nhặt đá, thuê người khuân về làm "chuồng" cho cua. Làm "chuồng" xong, Huệ phải đi mượn tiền rồi huy động đám trẻ con trong xóm vào các hang đá trên đảo để bắt cua dẹt con về bán cho Huệ làm giống. Từ những con cua nhỏ như hạt bắp, sau mấy tháng trời nuôi "sinh thái", thức ăn là lá cây và cá vụn băm nhuyễn, Huệ đã có những con cua nặng đến cả 100gram.
Huệ bắt cua đá đem nướng mời khách. Vừa thưởng thức cua đá, Huệ vừa kể lại cuộc đời mình cho chúng tôi nghe… Năm 16 tuổi, Huệ theo các chủ tàu ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt thủy sản. 10 năm sau, một tai họa ập đến khi Huệ đang hành nghề lặn ở gần đảo Trường Sa lớn khiến anh trở thành người tàn phế khi hai chân bại liệt do teo cơ. Trong những tháng ngày đau buồn ấy, anh đã tự mình thuần thục được đàn chó của gia đình để kéo xe lăn cho anh, rồi nuôi cua đá...
Vì là giống cua tự nhiên, nên việc nuôi cua đối với Huệ không đến nỗi nhọc nhằn. Lũ cua sinh sôi nảy nở, lớn nhanh làm cho niềm hy vọng của chàng ngư dân tàn phế lóe lên những tia sáng đổi đời. Nhiều người ở hòn đảo nhỏ này đã mừng thầm cho Huệ. Thế nhưng đầu ra của những con cua dẹt thì lại bế tắc. Sau 4 năm nuôi cua, Huệ chẳng bán cho nhà nào được lấy một con. Bởi, đây là cua tự nhiên, các gia đình khác ở đảo Bé cũng có thể tìm kiếm bắt về. Huệ lại nhờ vả người thân bên đảo Lớn "xuất chuồng", nhưng họ cũng chỉ mua khi có khách khứa, tiệc tùng với số lượng không bao nhiêu. Nghe tin ở đảo Bé có món cua nuôi tự nhiên, giá lại "mềm" một nhà hàng ở trong đất liền đã đặt mua mỗi ngày một lượng nhất định cho Huệ. Thế nhưng giao thông cách trở, Huệ lại tàn phế, làm sao mà cung ứng cua đúng hợp đồng. Huệ đổ bệnh nằm bẹp trên giường cả tuần.
Bây giờ, cua nuôi của Huệ vẫn bán nhỏ giọt cho khách đến thăm đảo Bé mà thôi. Vì thế, nguồn thu nhập của Huệ từ cua vẫn cứ bấp bênh. Huệ đang mong có một "chiếc cầu nối" nào đó để chuyển thông điệp "Ai mua cua tôi bán cua cho" đến mọi người. Mua cua của Huệ cũng là việc làm thiết thực giúp cho chàng ngư dân trẻ tàn phế có thu nhập kiếm gạo ăn, sửa lại ngôi nhà đã gần sập… Hoàn cảnh như vậy, nhưng Huệ không bỏ hòn đảo nhỏ này đi đâu được. Những năm trước có bao người muốn đưa Huệ vào đất liền chăm sóc, điều trị nhưng Huệ đều từ chối.