Hòa bình vẫn mong manh

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:15, 02/06/2014

(HNM) - 10 ngày đã trôi qua kể từ khi Tư lệnh Lục quân, tướng Prayut Chan-ocha tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của cựu Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan, hòa bình thực sự vẫn chưa trở lại với người dân Thái Lan.


Dù chính phủ quân sự Thái Lan huy động khoảng 6.000 cảnh sát và binh sĩ "cắm chốt" tại nhiều địa điểm ở thủ đô Bangkok, ngày 1-6, những người biểu tình vẫn xuống đường hô vang các khẩu hiệu đòi tự do và dân chủ. Đây chỉ là một trong những cuộc biểu tình nhỏ diễn ra hằng ngày tại thủ đô Bangkok những ngày qua, trong đó có các thành viên của phong trào "áo đỏ" - những người ủng hộ chính phủ bị lật đổ của cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Một số khu mua sắm và ga tàu tại Ratchaprasong, khu vực trung tâm của thủ đô Bangkok đã phải đóng cửa do lo ngại người biểu tình tụ tập tại đây. Thực tế, cho thấy căng thẳng vẫn chưa thực sự chấm dứt trên chính trường Thái Lan kể từ khi quân đội tuyên bố đảo chính lật đổ chính phủ tạm quyền ngày 22-5 vừa qua với lý do khôi phục trật tự sau hơn 6 tháng bất ổn.

Quân đội Thái Lan tăng cường an ninh tại thủ đô Bangkok do lo ngại xảy ra biểu tình.



Tuy đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cách chức gần một tháng nay, thế nhưng, những ảnh hưởng của cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đối với đời sống chính trường cũng như với nhiều người dân đất nước Chùa vàng chưa thực sự hết. Trong một động thái mới nhất ngày 1-6, cựu Thủ tướng tạm quyền này đã gửi lời cảm ơn tới những người ủng hộ qua trang mạng xã hội Facebook. Đây là thông điệp đầu tiên của bà Yingluck gửi tới người dân kể từ khi quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính hôm 22-5 vừa qua. Những thông tin qua trang mạng xã hội Facebook được đưa ra trong bối cảnh giới truyền thông Thái Lan cho biết, bà Yingluck đang ở thủ đô Bangkok khi được phép đi khắp mọi nơi ở trong nước mà không được rời khỏi Thái Lan và nếu ra khỏi Bangkok phải thông báo cho Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO).

Cuộc đảo chính ngày 22-5 vừa qua được giới phân tích nhìn nhận như kết quả tất yếu của cuộc biểu tình đường phố kéo dài hơn 6 tháng qua ở thủ đô Bangkok khiến 30 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Trong một tuyên bố mới đây trên truyền hình, Chủ tịch NCPO - tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định, chính phủ lâm thời tại Thái Lan sẽ được thành lập trước tài khóa 2015 (bắt đầu vào tháng 10-2014), trong khi cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tiến hành sau 15 tháng nữa. Giải thích rằng chính quyền quân sự không muốn nắm giữ quyền lực, nhưng buộc phải hành động vì nước này bị sa lầy trong bế tắc chính trị quá lâu, tướng Prayuth một lần nữa nhấn mạnh rằng, cuộc đảo chính là nhằm chấm dứt bạo lực, khôi phục hòa bình và mang hạnh phúc với đất nước 67 triệu dân này.

Cùng với cam kết sau khi sứ mệnh trên được hoàn tất quân đội Thái Lan sẽ trở lại với nhiệm vụ quân sự thông thường, tướng Prayuth đã đưa ra một lộ trình và khung thời gian rõ ràng cho việc cải cách đất nước trước khi tiến hành tổng tuyển cử. Theo dự kiến giai đoạn một (kéo dài trong 2-3 tháng) sẽ tập trung vào việc bảo đảm an ninh và hòa giải giữa các phe phái chính trị. Trong giai đoạn hai (kéo dài ít nhất một năm), một hội đồng lâm thời sẽ được thành lập thông qua sự nhất trí của các chuyên gia chính trị. Trong giai đoạn ba - đồng thời là giai đoạn cuối của lộ trình trên - một hội đồng quốc gia sẽ được thành lập và sẽ chọn ra thủ tướng. Để thực hiện được toàn bộ lộ trình không ít thách thức này, các phe phái tại Thái Lan hiện nay phải hợp tác, chấm dứt sử dụng vũ lực và bước vào đối thoại thực sự.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian thực hiện cuộc tổng tuyển cử đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Một số ý kiến cho rằng chính quyền quân sự Thái Lan cần lên thời hạn tổng tuyển cử sớm hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình bầu cử diễn ra toàn diện và minh bạch. Một số ý kiến khác cho rằng, sự bất đồng sâu sắc trong lòng dân tộc cùng với những mâu thuẫn giữa các đảng phái ở Thái Lan sẽ là thách thức lớn nhất đối với chính phủ quân sự của tướng Prayuth. Một thách thức lớn nữa không kém phần quan trọng là cách điều hành nền kinh tế trong bối cảnh chính phủ quân sự không có kinh nghiệm trong việc đưa ra các biện pháp để vực dậy nền kinh tế sau hơn 6 tháng đất nước chìm trong bất ổn chính trị.

Đình Hiệp