Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tàu to, công suất lớn, đâm va liên tiếp vào tàu của Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 19:52, 01/06/2014

Tròn một tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu Hải cảnh, tài kéo của Trung Quốc thường xuyên ngăn cản, ép đuổi, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam


Theo những thông tin mới nhất từ thực địa do phóng viên trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp, vào hồi 9 giờ sáng ngày 31/5, khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bố trí đội hình tiến vào phát loa tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì từ khoảng cách hơn 10 hải lý, các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã đồng loạt xông ra ngăn cản, phun vòi rồng và sẵn sàng đâm va vào các tàu của Việt Nam. Liên tục trong vòng 30 phút, lợi dụng trời có mưa giông, 3 tàu Hải cảnh và 1 tàu kéo của Trung Quốc đã vây ép tàu Kiểm ngư KN-951 của Việt Nam. Tàu kéo của Trung Quốc sơn màu đỏ có số hiệu 285 đã 6 lần áp sát, sử dụng vòi rồng tấn công tàu Kiểm ngư KN-951. Trước tình thế hết sức nguy hiểm, tàu KN-951 của ta đã phải cơ động vòng tránh và tiếp tục tuyên truyền.

Cùng thời gian này, ra đa trên các tàu của Việt Nam cũng đã phát hiện một tốp máy bay bay ở tầm thấp trên hướng Bắc và Tây - Bắc đảo Tri Tôn (thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ).

Chiều ngày 31/5, một tàu Cảnh sát biển của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật chính đáng trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì có 3 tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã liên tục ngăn cản và vây ép. Để bảo đảm an toàn, tàu Cảnh sát biển của Việt Nam vừa cơ động vòng tránh, vừa liên tục, kiên trì phát loa tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động sai trái, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Vào hồi 7 giờ 15 phút sáng ngày 1/6, một tàu thuộc lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã bị 4 tàu của Trung Quốc vây ép, phun xịt vòi rồng ngăn cản không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. Các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình để phối hợp với các tàu Kiểm ngư của Việt Nam cơ động để tiếp tục đấu tranh.

Theo quan sát từ thực địa cho thấy, giàn khoan Hải Dương 981 đã cố định ở toạ độ 15 độ, 33 phút, 22 giây vĩ độ Bắc, 111 độ 34 phút, 23 giây kinh độ Đông; cách vị trí ban đầu khoảng trên 22 hải lý về phía Đông - Đông Nam đảo Tri Tôn và cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. Vị trí này vẫn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cũng theo quan sát từ thực địa ở khoảng cách trên 12 hải lý, chiếc cần cẩu trên giàn khoan Hải Dương 981 liên tục có những hoạt động nâng hạ hàng.

Như vậy là trong một tháng qua (từ 1/5 đến 1/6), so với những ngày đầu thì cường độ các vụ đâm va, ngăn cản của các tàu Trung Quốc đối với các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Hiện nay, cứ hễ tàu của Việt Nam tiến vào từ khoảng cách 10 đến 12 hải lý, là các tàu của Trung Quốc vẫn xông ra ngăn cản và sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay phía Trung Quốc sử dụng các tàu to, công suất lớn, nhất là các tàu kéo, để sẵn sàng đâm va vào tàu của Việt Nam và đeo bám sẵn sàng đâm va nhiều lần liên tiếp vào tàu của Việt Nam.

Phía Trung Quốc vẫn duy trì một lực lượng khoảng trên 80 tàu bảo vệ các loại, được bố trí nhiều lớp theo hình nan quạt về phía Tây - Tây Nam của giàn khoan và có bán kính hơn 12 hải lý so với giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, các chiến sỹ trực ra đa quan sát trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, nhiều tàu của Trung Quốc đã cố tình tắt thiết bị AIS (là thiết bị nhận dạng bắt buộc phải gắn trên các tàu) nên khó nhận biết và gây nguy hiểm cho các tàu khác, đồng thời là hành vi vi phạm Luật Hàng hải quốc tế. Đây là một thủ đoạn mới của phía Trung Quốc nhằm cố tình che giấu lực lượng, vừa vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, vừa vi phạm quy định của Luật Hàng hải quốc tế.

Về phía các tàu cá của Việt Nam, kể từ vụ một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5, đến nay, được sự hỗ trợ của các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam nên các ngư dân vẫn kiên cường bám trụ trên các ngư trường truyền thống, vừa tổ chức đánh bắt hải sản vừa tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, qua đó hình thành một thế trận quốc phòng toàn dân trên biển rất nhịp nhàng, chắc chắn.

Có mặt trên tàu Cảnh sát biển CSB-8003, Đại tá Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển I, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: "Cán bộ chiến sỹ của lực lượng Cảnh sát biển nói chung, cũng như cán bộ chiến sỹ Cảnh sát biển trên tàu CSB-8003 quyết tâm đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó cho chúng tôi. Chúng tôi dùng biện pháp tuyên truyền và đấu tranh hoà bình là chính, nhằm yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cũng như lực lượng tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam".

Suốt một tháng qua, các chiến sỹ Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam đã rất anh dũng, kiên trì bám trụ, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đã rất khôn khéo, luôn cơ động vòng tránh, kiềm chế đến mức tối đa va chạm với phía Trung Quốc, nhưng cũng rất kiên quyết thực hiện các biện pháp chính nghĩa để bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Với các chiến sỹ Cảnh sát biển và Kiểm ngư, nhiều đồng chí có gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm lên đường nhận nhiệm vụ. Hầu hết các chiến sỹ trong suốt một tháng nay chưa hề liên lạc với gia đình hay người thân. Mặc dù vậy, tất cả cán bộ chiến sỹ đều gác việc riêng, vì nhiệm vụ chung, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sau các vụ đâm va, nhiều chiến sỹ đã bị thương, nhưng sau khi được điều trị tại chỗ vẫn quyết tâm xin ở lại tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Thay mặt cho cán bộ chiến sỹ các lượng lực của ta đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Đại tá Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển I, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã gửi lời nhắn về đất liền: "Cá nhân tôi thay mặt cho lực lượng cán bộ chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam nói chung và cán bộ chiến sỹ tàu Cảnh sát biển 8003 nói riêng xin được gửi lời chào nồng ấm nhất đến người thân, nhân dân cả nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Và chúng tôi cũng xin trân trọng cám ơn những tình cảm, sự quan tâm cả vật chất và tinh thần của đất liền. Đây là niềm cổ vũ, động viên rất lớn, khích lệ chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đang ở thực địa. Chúng tôi cũng xin hứa với người thân và nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài rằng cán bộ chiến sỹ Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam đang có mặt ở thực địa sẽ quyết tâm đoàn kết, hiệp đồng, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó cho chúng tôi"./.

Theo Trần Quỳnh