Không phải cuộc dạo chơi trên thảm đỏ
Thế giới - Ngày đăng : 05:52, 01/06/2014
Tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương thể hiện cam kết “xoay trục” của Mỹ trong khu vực. |
Trong phát biểu tại học viện West Point (28-5), người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng các biện pháp phi quân sự, nước Mỹ nên thay đổi chiến lược chống khủng bố. Theo Tổng thống B.Obama, Mỹ vẫn là quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới và chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ, cả ở trong và ngoài nước. Do đó, chính sách ngoại giao của Mỹ, trong đó có chiến lược chống khủng bố toàn cầu, phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp cân đối giữa chủ nghĩa can thiệp và hành động quốc tế tập thể. Trước đó một ngày, người đứng đầu Nhà Trắng đã thông báo kết thúc lộ trình rút quân Mỹ tại Afghanistan. Theo đó, binh sĩ Mỹ sẽ triệt thoái khỏi quốc gia Tây Nam Á vào cuối năm 2014, nhưng sẽ để lại 9.800 quân nhân và từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016, sẽ rút toàn bộ số quân nhân này; chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Thực tế, sau hơn một thập kỷ sa lầy trong cuộc chiến tại Afghanistan (cũng như tại Iraq), việc rút binh sĩ Mỹ khỏi đất nước có khí hậu lục địa khắc nghiệt này đã trở thành một đòi hỏi bức thiết của cả chính quyền cũng như của nhân dân Mỹ. Đây còn là một cam kết của ông B.Obama với cử tri Mỹ khi vận động tái tranh cử nhiệm kỳ hai không thể không thực hiện. Thế nên, đảng Cộng hòa nhìn hành động lui binh của ông B.Obama bằng con mắt nghi ngờ và e ngại. Họ chỉ trích đây có thể là một sai lầm, bởi sau khi rút quân, các tổ chức khủng bố tại đây sẽ trỗi dậy, giống như bạo lực đã quay trở lại với Iraq sau khi lính Mỹ rời đi không bao lâu. Nhưng giới chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại ủng hộ quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ B.Obama khi cho rằng quân đội và cảnh sát của Afghanistan đã đủ mạnh để đối mặt với bất kỳ thách thức nào từ tàn quân Taliban. Dẫu vậy, có một điều chắc chắn là Mỹ không thể không hiện diện tại đất nước có vị trí địa - chính trị quan trọng như Afghanistan, nhất là khi cường quốc này hướng ưu tiên vào chiến lược "xoay trục" sang Châu Á - một trọng điểm chiến lược toàn cầu mới của Mỹ.
Nhưng, chính sách "tái cân bằng" của Mỹ ở Châu Á không phải là một cuộc dạo chơi trên thảm đỏ. Cuộc nội chiến Syria, bạo lực leo thang ở Iraq, cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như cuộc khủng hoảng Ukraine… đặc biệt những động thái khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian gần đây - đe dọa tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới - là những thách thức lớn khiến chính sách "xoay trục" của Washington bị thử thách. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng trước, Tổng thống Mỹ B.Obama từng tái khẳng định cam kết của Mỹ với chính sách tái cân bằng toàn diện tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 30-5, trả lời các phóng viên trước khi lên đường tham dự Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng một lần nữa nhắc lại, các cam kết của Mỹ với Châu Á hiện đang "mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Tất cả đều cho thấy, dù vấp phải không ít khó khăn nhưng không gì có thể ngăn cản xứ Cờ hoa tiếp tục tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh ở Châu Á - Thái Bình Dương như một nền tảng căn bản để bảo vệ toàn bộ sườn phía Tây của nước Mỹ. Gần đây, Mỹ ngày càng quan tâm tới hành động gây hấn và khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, vi phạm những gì nước này từng cam kết trước đó là "trỗi dậy trong hòa bình". Và nếu, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện các hành động khiêu khích ngang ngược trên Biển Đông bất chấp dư luận quốc tế thì lợi ích của đồng minh Mỹ và của chính nước Mỹ, cụ thể ở đây là chính sách "xoay trục" của Mỹ nhất định sẽ bị ảnh hưởng; ngôi vị số 1 của Mỹ sẽ bị lung lay.
Mỹ sẽ thực hiện cam kết mang tính toàn cầu với an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như thế nào trước hành động thách thức dư luận thế giới của Trung Quốc trên Biển Đông đang là một câu hỏi lớn. Do đó, chiến lược "xoay trục" sang Châu Á, "tái cân bằng chiến lược" của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bị thử thách sẽ tiếp tục làm nóng đời sống chính trị khu vực trong thời gian tới.