Vùng tìm kiếm MH370 không phải là nơi máy bay rơi

Thế giới - Ngày đăng : 14:27, 30/05/2014

Giới chức Australia vừa tuyên bố khu vực biển rộng hàng trăm km vuông trên Ấn Độ Dương mà họ rà quét hàng tháng nay lại không phải là nơi MH370 kết thúc hành trình.

Tàu lặn không người lái Blufin-21, thiết bị được dùng để rà soát vùng tìm kiếm gần hai tháng qua. Ảnh: AOL


"Cục An toàn Giao thông Australia (ATSB) xin thông báo rằng việc tìm kiếm trong phạm vi phát hiện các tiếng 'ping' đã được hoàn tất và theo ý kiến chuyên môn, khu vực này không phải là nơi máy bay MH370 rơi xuống", Reuters dẫn lời phát ngôn viên của trung tâm tìm kiếm tuyên bố hôm qua.

Martin Dolan, giám đốc ATSB, ước tính đội tìm kiếm sẽ mất thêm hai đến ba tuần để đánh giá và phân tích lại dữ liệu, dù trước đây ông rất tự tin rằng nơi "kết thúc" của phi cơ là Ấn Độ Dương. "Chúng tôi không biết tiếng 'ping' xuất phát từ đâu, quá trình phân tích vẫn đang diễn ra", ông Dolan nói.

Trước đó, Michael Dean, phó giám đốc về kỹ thuật đại dương của Hải quân Mỹ, cũng tiết lộ rằng giới chức ngày càng tin vào khả năng các tín hiệu thu được không phải của hộp đen MH370.

Khu vực tìm kiếm được thu hẹp tháng trước khi hàng loạt tiếng "ping", âm thanh giống với tín hiệu phát ra từ hộp đen phi cơ, được thu nhận gần vùng nghi máy bay rơi. Vùng biển này thuộc Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth của Australia 1.600 km về phía tây bắc. Phát hiện trên được cho là bước đột phá và Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng tin tưởng vào khả năng tìm thấy MH370.

Tuy nhiên, việc rà soát 850 km2 đáy biển gần hai tháng nay, với sự trợ giúp của tàu lặn không người lái tối tân, vẫn chưa thu được kết quả. Không mảnh vỡ nào được tìm thấy dù quá trình tìm kiếm diễn ra bất kể ngày đêm.

"Chúng tôi tập trung vào khu vực đó vì tiếng 'ping' là hy vọng lớn nhất", phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Australia, ông Warren Truss, cho biết. Ông Truss vẫn khẳng định rằng phi cơ rơi tại phía nam Ấn Độ Dương, trong phạm vi đường "ping" thứ 7, vòng cung được vẽ nên dựa trên phân tích dữ liệu vệ tinh.

Khu vực rà soát đã được mở rộng đến 60.000 km2. Đến tháng 8, việc tìm kiếm sẽ bước sang giai đoạn mới với thời gian dự kiến là một năm và chi phí ước tính là 60 triệu USD. Hiện tại, việc chiếc máy bay Malaysia chở theo 239 người mất tích hôm 8/3 trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vẫn là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.

Theo Trần Trang