Hệ thống tượng đài ở Nghĩa trang quốc gia đường 9
Chính trị - Ngày đăng : 11:43, 24/07/2004
Ngày 20/2/1992, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ký quyết định số 188/LĐ-TBXH phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 do Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng ADC (Hà Nội) thiết kế.
Quy mô của nghĩa trang được xác định bảo đảm khả năng quy tập 10.000-12.000 mộ liệt sĩ. Công trình khởi công vào ngày Quốc khánh lần thứ 50 (2/9/1995) và hoàn thành trong hai năm, với sự tham gia trực tiếp của 6 đơn vị thi công Trung ương và địa phương.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến tính hoành tráng và nghệ thuật tượng đài của công trình, bao gồm: tượng chính, quần thể nhóm tượng, dãy phù điêu ở Nghĩa trang liệt sĩ đường 9.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là tác giả của những công trình lớn trên khắp mọi miền đất nước. Ông là nhà điêu khắc nổi tiếng với những công trình về chủ đề cách mạng. Tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 tại Quảng Trị này là một trong đỉnh cao nghệ thuật tượng đài ngoài trời của ông.
Kết cấu trọng tâm của quy hoạch Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là tượng đài chính đặt ở vị trí cao nhất của khu đất, tạo nên nét tôn nghiêm và hùng vĩ. Phía trước dưới chân tượng đài là hồ bán nguyệt.
Cụm tượng đài chính thể hiện nhóm 3 người: Chiến sĩ giải phóng, người vợ và cũng là người mẹ trên tay bế đứa con. Gương mặt các nhân vật sáng ngời, quả cảm, phảng phất nỗi buồn. Tư thế hùng dũng, tinh thần chịu đựng với sự hy sinh nỗi khổ mất mát đã thể hiện được hìn hảnh kiêu hãnh của người phụ nữ Việt Nam. Kể cả sự sống động hồn nhiên của đứa bé là nhân vật đại diện cho thế hệ kế tiếp, ngọn đuốc trên tay đứa bé toả sáng, biểu tượng sự trung kiên, bất khuất và sự vĩnh hằng. Tất cả 3 nhân vật quyện chặt vào khối mô típ hình mây soắn ốc bay bổng, hết sức sáng tạo, mang ý niệm thẩm mỹ, nội dung tư tưởng sâu sắc, dễ đồng cảm với nhân dân. Bệ tượng được thể hiện khối hình núi, các lớp cao, thấp trước sau tạo nhịp điệu của dãy núi Trường Sơn, góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp hoành tráng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Dưới chân tượng đài chính là khoảng sân rộng được giật cấp hợp lý tạo ra một khoảng không gian khác, ở đây, hai bên tượng đài được xây dựng 4 nhóm tượng nhỏ, hai phù điêu hoành tráng bổ trợ cho nội dung chính. Dòng chữ: "Tổ quốc đời đời ghi công các liệt sĩ" được mạ vàng đặt ở vị trí phía trên hồ bán nguyệt. Không gian ở đây được thiết kế các nhóm tượng, phù điêu và nơi dâng hương, tưởng niệm.
Nhóm tượng thứ nhất (bên phải): có 3 nhân vật, vợ con người chiến sĩ Vân Kiều đang tiễn chồng lên đường ra mặt trận.
Nhóm thứ 2: Gồm 2 nhân vật nam và nữ người dân tộc miền núi, người con trai dáng đứng hùng dũng, người con gái tư thế quỳ, hai tay dâng dải lụa cho những người đã khuất.
Mảng phù điêu phía sau tượng thể hiện những hình tượng các chiến sĩ người Kinh, người dân tộc Vân Kiều tản đạn ra chiến trường, mở đường phục vụ chiến dịch, chuyển tài liệu... với các chiến sĩ xe tăng mở đường đánh chiếm căn cứ địch.Xác địch ngổn ngang, địch bị bắt làm tù binh. Bộ đội ca khúc khải hoàn, tiếp tục hành quân.
Gắn với sự kiện lịch sử cách mạng tưởng tượng phong phú của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo cho thấy ông rất nhạy bén về cái đẹp. Ông đã mượn khối hình để diễn tả tình cảm, tính chất bi hùng, tâm hồn người lính cách mạng. Hình tượng nghệ thuật ở hai nhóm tượng và mảng phù điêu này đã làm nảy sinh những dạng thức mới, quyến rũ hơn bởi sức biểu cảm mạnh mẽ, phát huy được các tiết tấu của đường nét hình thể, gợi chiều sâu không gian, chiều sâu tác phẩm. Trong đó ẩn chứa bao điều về triết lý sinh tồn.
Nhóm tượng thứ hai (bên trái): cũng được thể hiện 3 nhân vật. Nội dung vĩnh biệt đồng đội, trong nhóm có một người là thương binh. Các khuôn mặt đau đớn nhưng kiên định. Nhóm thứ hai: tượng hai chiến sĩ cầm B40, súng AK, sau lưng là gùi đạn, dáng đi hùng dũng, hiên ngang.
Mảng phù điêu phía sau hai nhóm tượng này diễn tả cảnh địch bắt giam những người dân vô tội, chúng dồn dân vào trại tập trung. Du kích phá ấp chiến lược, nhân dân các vùng nổi dậy. Bộ đội chủ lực hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh tiến vào miền Nam. Bản làng dân tộc Vân Kiều giã gạo nuôi quân. Bộ tư lệnh họp bàn kế hoạch bàn tác chiến, đánh chiếm đồn Mỹ - nguỵ, bắt sống nhiều tù binh và lính Mỹ. Đấu tranh của quần chúng đòi đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam. Người mẹ Hiền Lương lặng lẽ và lá cờ Tổ quốc tron lúc trận đánh vẫn tiếp diễn, hàng vạn tấn bom của Mỹ thả xuống Quảng Trị. Dưới hầm địa đạo Vĩnh Linh, người mẹ nuôi các thương binh. Chiến dịch Hồ Chí Minh được triển khai, bộ đội chủ lực đánh chiếm các nơi trọng yếu ở chiến trường Quảng Trị, buộc Mỹ cút nguỵ nhào. Nhân dân vui mừng trong ngày giải phóng.
Nguồn cảm hứng của các tác giả ở hai nhóm đối tượng và mảng phù điêu đường nét hình khối và nhịp điệu có sức lay động tiềm ẩn khuynh hướng tạo hình độc đáo, các sự kiện lịch sử đan xen vào tất cả, lắng đọng. Từ chi tiết đến cách tạo hình được thể hiện có lề lối và đầy chủ ý. Các nhân vật chiến sĩ cách mạng từ tư thế đến hành động ẩn hiện sự ưu tư, cảm xúc dồn nén, không bộc lộ nhưng dứt khoát và rắn rỏi.
Nghệ thuật điêu khắc của công trình tượng đài ở Nghĩa trang Đường 9 là âm hưởng cơ bản của khúc khải hoàn ca lịch sử và cũng là khúc tưởng niệm bi tráng nhất, hùng vĩ nhất của lịch sử.
Toàn bộ tượng, phù điêu được sử dụng chất liệu bê tông giải đá trắng hàm chứa sự huyền thoại, linh thiêng và nỗi buồn man mác.
Đứng trên khu tượng đài chính nhìn xuống là hồ nước ở phía xa, chiến cầu uốn cong bắt ngang tạo nhịp điệu chuyển tiếp cho không gian kỳ vĩ, độc đáo và hài hoà. Xung quanh khu quy hoạch mộ liệt sĩ, tượng đài, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp... là các khoảng sân vườn, cây xanh, đường đi bộ, hệ thống đèn chiếu sáng được bố trí thích hợp, thống nhất có điểm nhìn rộng, tạo cảm xúc và suy tưởng.
Tính hoành tráng ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là làm cho nỗi tang tóc phải nhường chỗ cho cảm xúc trước vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa siêu nhiên.
Nhân dân cả nước và nhân dân Quảng Trị mãi mãi tưởng nhớ và ghi nhận công lao vô cùng to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã yên nghỉ nơi đây.
Công trình Nghĩa trang Đường 9 không chỉ là bằng chứng của lòng ân nghĩa mà còn la một đóng góp xứng đáng để khẳng định và giáo dục đạo lý ngàn đời của dân tộc.
T.H.T