Vắc xin lại hết giữa mùa dịch

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 30/05/2014

(HNM) - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa mưa, các loại bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết gia tăng mạnh so với mọi năm. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh rất đáng lo ngại bởi nhiều loại vắcxin vẫn trong tình trạng… hết!


Ảnh minh họa


Tại cuộc gặp mặt giữa Bộ Y tế và phóng viên tại TP Hồ Chí Minh ngày 29-5, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc thông tin: Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 24.730 ca mắc tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm gần 14% so với năm 2013. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh phía Nam lại tăng: TP Hồ Chí Minh tăng 29,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 27,8%; Cà Mau tăng 18,7%; Lâm Đồng tăng 18,6% và Sóc Trăng tăng 8,4%. Số ca mắc tay chân miệng ở phía Nam chiếm 78,5% các trường hợp mắc trong cả nước và đã có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vùng Tàu. Điều nguy hiểm là các týp virus ở phía Nam chủ yếu là EV71 (chiếm 59,2%). Đây là chủng virus chủ yếu gây tử vong tại các tỉnh phía Nam thời gian qua.

Với sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay cả nước, có 9.413 ca mắc bệnh, các tỉnh phía Nam chiếm 83,4%. 6 trường hợp tử vong cũng nằm trong khu vực phía Nam gồm TP Hồ Chí Minh (3 trường hợp), Bình Dương (1), Cà Mau (1) và Bình Phước (1).

Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi của phóng viên đã được đưa ra xoay quanh vấn đề cung cấp vắc xin phòng bệnh cho người dân nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết chủ yếu thiếu vắc xin dịch vụ, còn vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn được cung ứng đầy đủ. Tuy nhiên, về tình trạng thiếu vắcxin thủy đậu ở Viện Pasteur từ tháng 4-2013 đến nay, ông Phan Trọng Lân khẳng định chỉ thiếu ở từng điểm tiêm và cũng ở từng thời điểm!

Còn theo giải thích của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, lý do của việc thiếu vắc xin là do tính đặc thù! Theo đó, để sản xuất một mẻ vắc xin tốn 4 - 6 tháng trong khi thời gian bảo quản chỉ trong 12-13 tháng. "Việc dự trù và cung ứng là khó khăn, bởi nếu dự trù thừa mà thời hạn sử dụng ngắn thì ai sẽ chịu trách nhiệm?" - Ông Dũng tự đặt câu hỏi và cho rằng vấn đề này đang được tiếp tục… bàn luận để tìm giải pháp!

Theo ông Dũng, tiêm chủng mở rộng có thể đoán biết qua số dân số sinh ra bao nhiêu và chuẩn bị sẵn, còn tiêm dịch vụ thì khó đoán vì nó phụ thuộc vào… nhu cầu của người dân. Trong khi đó, ngành y tế thường thì dựa vào các con số của năm trước để đưa ra nhu cầu cho năm sau. Vừa qua, Cục Quản lý dược cho phép nhập khẩu 80.000 liều vắc xin thủy đậu của Hàn Quốc nhưng cuối cùng, các đơn vị chỉ nhập có 20.000 liều. Số lượng này được phân bổ cho các tỉnh phía Bắc 10.000 liều, các tỉnh phía Nam 10.000 liều "chỉ như muối bỏ bể và đã sử dụng hết".

CHÂU DUYÊN