Nghe họ nói và xem... họ làm
Chính trị - Ngày đăng : 05:50, 30/05/2014
Cụ thể, một số cơ quan báo chí của nước này như Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu… dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương: Vụ va chạm trên là kết quả của hành động khiêu khích từ phía Việt Nam...
Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đổi trắng thay đen khi cho rằng phía Việt Nam quấy nhiễu, cản trở các hoạt động hợp pháp của tàu Trung Quốc. Dù Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, các nước không cần phải lo lắng về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn đang theo đuổi việc duy trì hòa bình và ổn định trên vùng biển này; song, giữa lời nói và việc làm của họ là một tấm "vải thưa" không dễ gì che mắt dư luận khu vực và quốc tế.
Để khỏa lấp những việc làm sai trái, tạo nên sóng gió trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc thông tin, bóp méo sự thật một cách trắng trợn khi phát biểu Việt Nam đem một lượng lớn tàu ra "quấy nhiễu" và tàu cá Việt Nam bị chìm sau khi quấy rối và đâm vào một tàu cá của Trung Quốc thuộc thành phố Đông Phương, tỉnh Hải Nam...
Không riêng chuyện này, nhiều điều họ nói đều là bịa đặt, vu khống một cách tráo trở. Về nguyên nhân chính dẫn đến những căng thẳng hiện nay tại Biển Đông, trong cuộc tọa đàm về chủ đề này tổ chức ngày 28-5 tại Singapore do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Châu Á của Ấn Độ (CASS - India) thực hiện, Giám đốc CASS - India - ông A.B.Mahapatra khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou - 981 nằm trong vùng chủ quyền của Việt Nam (nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan ở vị trí vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam). Theo nhận định của ông A.B.Mahapatra, hành động này là "bất ngờ, khiêu khích và phi pháp". Ấy vậy, biện minh cho những hành động sai trái của mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động như vậy là... bình thường. Tuy nhiên, để thực hiện sự... bình thường đó, Trung Quốc đã điều hơn 100 tàu (trong đó có 5 loại tàu quân sự, từ tàu vận tải đổ bộ, tàu khu trục tên lửa... đến tàu tuần tiễu tấn công nhanh) chia thành nhiều lớp được sự yểm trợ của máy bay để bảo vệ giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 và ngăn cản các tàu chấp pháp của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Rồi họ khiêu khích, gây hấn khi dùng vòi rồng uy hiếp và dùng tàu có trọng tải lớn đâm, va vào tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền... Ấy là những điều bất thường được phía Trung Quốc cho là bình thường. Và một tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng được họ cho là… bình thường.
Hành động kiểu... bình thường như vậy của phía Trung Quốc đang bị dư luận quốc tế cực lực lên án bởi ngay tại thực địa nơi xảy ra sự việc, hiện đang có rất nhiều hãng thông tấn cùng các nhà báo quốc tế có mặt theo dõi. Do đó, dư luận được tường tận sự việc khi tận mắt chứng kiến thực địa để có thể so sánh với những lời nói mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hùng hồn diễn thuyết tại đất liền. Cũng vì lẽ đó mà "màn kịch" được chuẩn bị, dàn dựng sẵn khó có thể che mắt được thiên hạ. Sau sự kiện tàu cá của Việt Nam bị đâm chìm, tại buổi họp báo ngày 27-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên duy nhất khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Cho rằng đây là một vụ việc nguy hiểm, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặc biệt quan ngại về những căng thẳng trong khu vực xuất phát từ hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 và nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết bằng luật pháp. Còn Thượng nghị sĩ Ben Cardin - Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khẳng định, các hành vi đơn phương và gây hấn của Trung Quốc đã gây ra tình huống căng thẳng cao độ; điều đó không chỉ ảnh hưởng an ninh của Việt Nam mà còn liên quan đến an ninh, hàng hải của khu vực, ảnh hưởng không chỉ đến Mỹ mà cả khu vực...
Vậy mà không biết căn cứ vào đâu hay cũng chỉ là ảo tưởng tương tự như việc tự nghĩ ra đường "lưỡi bò" 9 đoạn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trâng tráo nói rằng "uy tín Việt Nam đang xuống rất thấp, bởi nước này thường hành động đi ngược lời nói". Phải chăng, họ nhìn nhận bản thân để suy luận ra người khác cũng mắc phải "căn bệnh" nói một đằng, làm một nẻo như mình?
Đối với sự việc hạ đặt giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou - 981 trái phép của phía Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, trong một tháng qua chúng ta kiên trì lập trường giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp và đối thoại hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Đó là lập trường trước sau như một của Việt Nam được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ.
Xưa, Khổng Tử dùng khái niệm người quân tử để chỉ những người biết cách đối nhân, xử thế, có học vấn trong xã hội, lấy thước đo là "tam cương ngũ thường". Và đó cũng là gốc gác của quan điểm "Quân tử nhất ngôn" và "Nhất ngôn cửu đỉnh", ám chỉ việc nói lời phải giữ lấy lời, phải chính xác, trước sau như một. Vậy nhưng sau một loạt diễn biến vừa qua, những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa với những điều họ nói. Phải chăng triết lý của Khổng Tử - người được đời sau tôn là Vạn thế Sư biểu (bậc thầy của muôn đời) - tới thời điểm này không còn được một số cá nhân hàng con cháu coi trọng?