Cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu

Đời sống - Ngày đăng : 11:36, 29/05/2014

(HNMO) – Sáng 29/5, thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với việc sửa đổi luật, mở rộng đối tượng tham gia BHXH nhưng còn băn khoăn với một số quy định về chế độ hưu trí, tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính mức lương hưu hằng tháng…


Theo các đại biểu, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng và quy định của Hiến Pháp đáp ứng yêu cầu của người lao động góp phần từng bước hoàn thiện chính sách của đảng, nhà nước phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Đi vào những nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật vẫn để chung người lao động trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng khác và đặc biệt quy định cách tính lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực.

Theo phân tích của đại biểu Thanh, với cách tính lương hưu theo cơ chế bình quân của cả quả trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội như dự thảo luật, cán bộ công nhân viên chức sẽ bị giảm lương hưu trung bình từ 25 dến 51%, quân đội bị giảm từ 25 đến 51% tùy theo đối tượng, lực lượng vũ trang giảm trung bình từ 34 đến 46%.

“Tôi lấy ví dụ thực tiễn năm 2013, 2014, một đồng chí đại tá nghỉ hưu giả sử lương tính nghỉ hưu là 10 triệu, nhưng nếu đồng chí đó nghỉ hưu năm 2015, giả sử khi đó có luật BHXH mới, thì lại chỉ được 6 triệu đồng. Vấn đề đặt ra ở đây là một đồng chí đại tá năm nay nghỉ hưu thì khác gì với một đồng chí đại tá năm 2015, 2016 nghỉ hưu, có cùng mức cống hiến, mà lại được hưởng chế độ khác nhau?”, đại biểu Thanh nêu vấn đề.



Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng chung quan điểm cho rằng, dự thảo luật sửa đổi lần này giúp ngành bảo hiểm xã hội thực thi nhiệm vụ của mình tốt hơn so với giai đoạn trước, nhưng việc chỉnh sửa luật phải đảm bảo phù hợp với các luật đã ban hành trước Luật Bảo hiểm xã hội, nhất là những luật khung như Hiến pháp, Bộ Luật lao động…

Đại biểu An lưu ý, thực tế chuyện đóng bảo hiểm xã hội dưới 3 tháng rất khó thực hiện, vì trong 3 tháng đầu, thường người lao động đang trong giai đoạn thử việc, đơn vị tiếp nhận lao động chưa có quyết định chính thức về việc ký hợp đồng, nên việc bắt người lao động hoặc doanh nghiệp phải bỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội là không khả thi. Do đó, quy định này không nên đưa vào luật.

Nhiều ý kiến phát biểu cũng băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), việc tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế về bình đẳng giới, điều kiện thể chất..., nhưng dự luật phải tính toán tùy thuộc vào từng đối tượng, cân nhắc thời điểm thực hiện, có đối tượng có thể thực hiện ngay, nhưng có đối tượng có khi còn phải giảm thời gian làm việc xuống vì họ phải lao động trong môi trường độc hại...

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) đề nghị không nâng tuổi nghỉ hưu, không thể lấy lý do vì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà nâng tuổi nghỉ hưu.

“Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là do ít người đóng bảo hiểm xã hội, nợ đọng bảo hiểm xã hội nhiều, thất thu lớn..., chúng ta phải khắc phục những bất cập này. Chứ làm gì có chuyện người lao động đóng ngắn hưởng dài: người lao động có nghỉ hưu sớm thì nữ cũng là 50, nam 55, họ khó mà hưởng lương hưu được 30 năm, bởi số người thọ đến 80-85 tuổi không nhiều, tuổi thọ trung bình của nước ta mới là hơn 70”, đại biểu Chiến phân tích.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cũng cho rằng, số người đủ sức khỏe để phục vụ đến 60-62 tuổi như độ tuổi nghỉ hưu được đề xuất trong dự thảo luật là không nhiều, trừ một số nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo… Vì vậy, không nên quy định như dự thảo, vẫn thực hiện theo luật hiện hành.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu còn thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Các đại biểu cho nhiều ý kiến về tổ chức, quản lý kiểm định chất lượng dạy nghề nghề, chính sách của Nhà nước đối với phát triển dạy nghề ; xác định loại hình cơ sở dạy nghề; xã hội hóa hoạt động dạy nghề…

Vân An