100% cơ sở giáo dục đào tạo sẽ được kết nối bằng cáp quang
Giáo dục - Ngày đăng : 07:23, 29/05/2014
Thỏa thuận có 2 nội dung quan trọng. Một là, từ nay đến năm 2015, 100% cơ sở giáo dục trong cả nước từ mầm non đến đại học sẽ được Viettel hoàn thành kết nối miễn phí bằng hạ tầng cáp quang, cho phép tiếp cận Internet tốc độ cao, chất lượng ổn định và cùng lúc số lượng lớn người sử dụng. Hai là, Viettel sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT đẩy mạnh đưa ứng dụng CNTT một cách thống nhất, toàn diện và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và các hoạt động giáo dục đào tạo của ngành.
Trước đó, năm 2008, Viettel và Bộ GD&ĐT đã ký biên bản ghi nhớ đưa kết nối Internet đến 100% cơ sở giáo dục (thường được gọi là Chương trình Internet trường học). Viettel đã thực hiện kết nối và nâng cấp Internet đến 30.593 cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó tỷ lệ các đơn vị giáo dục sử dụng dịch vụ băng rộng (Leased Line Internet, FTTH, ADSL, 3G) chiếm 81%. Từ năm 2010, Việt Nam đã đứng vào nhóm hàng đầu các nước ASEAN về mức độ kết nối Internet trong ngành giáo dục. Ước tính, hơn 25 triệu thầy cô, học sinh và sinh viên của các trường, cơ sở giáo dục của cả nước có điều kiện tiếp cận với Internet phục vụ trong công tác quản lý, giảng dậy, học tập. Trên cơ sở đó, một số ứng dụng CNTT đã được ngành giáo dục áp dụng thành công, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả trong nhiều mặt.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết “Sự thành công của giai đoạn hợp tác 2008-2013, sự phát triển không ngừng của hạ tầng mạng viễn thông Viettel, đặc biệt là mạng truyền dẫn đã quang hóa tới 96% số xã trên cả nước, nguồn nhân lực phát triển ứng dụng CNTT với số lượng lớn, chất lượng cao của Viettel chính là 3 nền tảng quan trọng để Viettel đưa ra những cam kết trong thỏa thuận lần này với Bộ GD&ĐT. Viettel luôn xác định chung tay để phát triển nền giáo dục nước nhà luôn là trách nhiệm vốn có của mình. Chương trình này cũng góp phần cụ thể hóa chiến lược của Viettel trong thời gian tới. Đó là đưa viễn thông và CNTT vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội”.