Khủng hoảng tại Ukraine: Chưa tìm thấy hồi kết
Thế giới - Ngày đăng : 06:46, 29/05/2014
Đúng như tuyên bố được ông Petro Poroshenko đưa ra ngay sau khi đắc cử Tổng thống rằng sẽ không thương lượng với các tay súng ly khai khu vực miền Đông, trong ngày 27-5, quân đội Kiev đã mở các cuộc tấn công quân sự ồ ạt, bắn phá thành phố Slavyansk và dùng súng cối tấn công sân bay Donetsk... Con số thương vong về phía các tay súng ly khai, kể cả dân thường, đã lên tới hàng trăm người. Trước tình hình trên, ngày 28-5, quân đội Ukraine và đại diện nước Cộng hòa tự xưng Donetsk đã nhất trí tạm đình chiến để thu dọn thi thể những người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo các nhân chứng, tại khu vực sân bay Donetsk và một số tuyến phố vẫn vang lên tiếng súng. Căng thẳng ít có cơ hội "hạ nhiệt" khi người phát ngôn các lực lượng vũ trang Ukraine khẳng định, chiến dịch quân sự của chính quyền sẽ tiếp tục cho đến khi nào tiêu diệt hết những kẻ khủng bố.
Xung đột gia tăng tại miền Đông là trở ngại lớn đối với lộ trình ổn định của Ukraine. |
Động thái trên làm dấy lên lo ngại sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Ukraine và Nga vì khu vực miền Đông Ukraine là nơi có đông người Nga sinh sống. Phản ứng đầy sức mạnh từ chính quyền Kiev ngay sau bầu cử làm gia tăng mối lo ngại về việc Mátxcơva có thể sẽ đưa quân đội vào khu vực miền Đông để bảo vệ công dân như đã từng làm với bán đảo Crimea. Ngày 28-5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt ngay tình trạng bạo lực tại Ukraine; đồng thời nhấn mạnh, việc chấm dứt đổ máu tại miền Đông nam Ukraine là nhiệm vụ tối quan trọng của chính quyền Kiev sau khi Ukraine bầu ra tổng thống mới. Trước cuộc chiến đẫm máu có chiều hướng leo thang ở miền Đông Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi chính quyền Ukraine khôi phục quyền kiểm soát tại các địa phương ở miền Đông bằng những biện pháp hòa bình, trong đó có đối thoại chính trị và cần phải coi đó là biện pháp duy nhất.
Diễn biến đáng quan tâm liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine là cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngày 6-6) ở miền Bắc nước Pháp trong loạt sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày quân Đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandy trong Chiến tranh thế giới thứ II. Dư luận kỳ vọng, cuộc gặp giữa hai đại diện Đông - Tây này sẽ có thể đưa ra lối thoát cho tình hình Ukraine. Cuộc khủng hoảng leo thang tại nước này không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa Nga và phương Tây mà còn có thể đẩy thế giới đứng trước nguy cơ một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Một số tín hiệu tích cực đã được đưa ra khi Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Ukraine cần tiến hành đàm phán với các lực lượng biểu tình ở miền Đông và ổn định quan hệ với Nga. Nga cũng đã lên tiếng sẵn sàng đối thoại với tân Tổng thống Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine với các nhà lãnh đạo Châu Âu trong chuyến công du Cựu lục địa vào tuần tới. Thế nhưng, toan tính về lợi ích của các bên trên bàn cờ địa - chính trị tại khu vực này hoàn toàn có thể cản trở lộ trình tìm kiếm sự ổn định của Ukraine.
Theo dự kiến, "Vua socola" Petro Poroshenko sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine sau khi Ủy ban Bầu cử trung ương nước này công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử trong ít giờ tới. Gánh nặng của tân Tổng thống P.Poroshenko sẽ không chỉ là những cải cách cần thiết để đoàn kết quốc gia, đưa kinh tế tăng trưởng, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn và một chính phủ có trách nhiệm đáp ứng các mối quan tâm và khát vọng của người dân Ukraine mà còn phải đưa ra những chính sách đối ngoại khả dĩ nhằm cân bằng các mối quan hệ Đông - Tây đang rạn nứt trên chính hồ sơ của quốc gia này.