Mỹ phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông

Thế giới - Ngày đăng : 05:52, 29/05/2014

(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28-5 tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trên Biển Đông cũng như tại các khu vực khác, đồng thời cảnh báo Mỹ đã sẵn sàng đáp trả



Tuyên bố trên được Tổng thống B.Obama đưa ra trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Học viện quân sự West Point. Trong bài phát biểu trên, Tổng thống B.Obama đã bảo vệ các quyết định và chính sách ngoại giao của mình, phản bác lại các ý kiến cho rằng sự lãnh đạo của ông đang làm yếu đi vị thế nước Mỹ trên trường quốc tế.

Lực lượng chấp pháp Việt Nam thực thi nhiệm vụ tại vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Đông


* Ngày 28-5, tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ (TNS) Benjamin Cardin thuộc đảng Cộng hòa, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã có buổi gặp gỡ báo chí trong nước và quốc tế.

Phản ứng trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng biển Việt Nam, Thượng nghị sĩ B.Cardin cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, các hành động gây hấn phải được kiềm chế. Theo Thượng nghị sĩ B.Cardin, hành vi đơn phương và gây hấn của Trung Quốc đã gây ra tình huống căng thẳng cao độ. Việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động cực kỳ nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của dân thường. Mỹ quan ngại về điều này vì nó không chỉ ảnh hưởng an ninh của Việt Nam mà còn an ninh và hàng hải trong khu vực. Nhà lập pháp Mỹ đánh giá tình hình trên Biển Đông hiện nay là nguy hiểm và kêu gọi Trung Quốc có hành động nhằm giảm căng thẳng, không leo thang; đồng thời cho biết, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và sẽ sớm trình lên Thượng viện để xem xét thông qua. Thượng nghị sĩ B.Cardin cũng cho biết, ông sẽ đưa vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trái phép vào vùng biển Việt Nam và những diễn biến phức tạp ở Biển Đông ra Diễn đàn an ninh Shangri-La - 2014 tại Singapore vào cuối tuần này.

Về mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam Thượng nghị sĩ B.Cardin nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tiến vào khuôn khổ đối tác chiến lược, thể hiện qua các cuộc gặp gần đây nhất giữa hai nước. Khi thực hiện chính sách xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi mong thấy Việt Nam phát triển, vững mạnh. Chúng tôi tin rằng điều đó đóng góp vào ổn định của khu vực".

* Trong cuộc họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. "Chúng tôi vẫn tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề một cách an toàn và có trách nhiệm", bà J.Psaki nêu quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ còn khẳng định rằng chỉ có các hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích, và phía Mỹ sẽ thông qua tất cả các bên để tìm kiếm thông tin liên quan tới sự việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam.

* Tọa đàm với chủ đề "Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và những tác động tới an ninh khu vực" đã khai mạc sáng 28-5 tại Singapore.

Tại buổi tọa đàm, các học giả đã đánh giá về những diễn biến mới, căng thẳng gia tăng tại Biển Đông do Trung Quốc tăng cường yêu sách chủ quyền "Đường 9 đoạn" phi lý và phi pháp nhằm độc chiếm Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2-5 tới nay. Hành vi này đã vi phạm luật pháp quốc tế về biển, gây căng thẳng, phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định, tạo nguy cơ xung đột, chạy đua vũ trang, mất an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Các học giả khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực và quốc tế; việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là mục tiêu, lợi ích của tất cả các quốc gia Hiệp hội ASEAN, các nước có lợi ích như Mỹ và các cường quốc Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Các học giả khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, các định chế và cam kết khu vực; khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN để thúc đẩy và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế sớm hoàn tất đàm phán và thực thi bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc đi vào thực chất và ràng buộc chặt chẽ.

* Ngày 28-5, Thượng nghị sĩ Pierferdinando Casini, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Italia tuyên bố Rome quan ngại sâu sắc về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố trên được đưa tại Hội thảo về Luật biển quốc tế do Bộ Ngoại giao Italia, Thượng viện Italia và Viện nghiên cứu quốc tế Italia (CESI) phối hợp tổ chức ngày 28-5. Thượng nghị sĩ Casini cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua các biện pháp và đối thoại hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời khẳng định Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Italia ủng hộ và hoan nghênh tuyên bố của văn phòng Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra ngày 8-5 về vấn đề này. Tuyên bố này nhấn mạnh sự quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực.

TTXVN - Thùy Dương