Cần có nền tảng pháp lý vững chắc
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:47, 29/05/2014
Có thể nói, với việc hàng trăm tổ chức hành nghề công chứng đi vào hoạt động, những phiền hà bức xúc gần như không còn: Hiện tượng quá tải công việc tại các phòng công chứng (do Nhà nước đầu tư) đã bị "xóa sổ". Nạn sách nhiễu, cửa quyền của một số cán bộ đã được thay bằng thái độ tận tình, chu đáo trong quan hệ khách hàng, nạn "cò mồi" công chứng dần biến mất khỏi đời sống xã hội... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận từ việc xã hội hóa hoạt động công chứng, có thể thấy rất nhiều "lỗ hổng" pháp lý đã được "phơi ra". Hàng loạt sai phạm trong hoạt động công chứng đã bị phát giác và vụ Văn phòng công chứng Việt Tín liên quan đến gần 200 bộ hồ sơ công chứng "giả" gây hoang mang trong dư luận là một ví dụ điển hình.
Bên cạnh việc thu phí dịch vụ theo thỏa thuận, dẫn đến tình trạng "loạn phí", cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng thì trình độ chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ công chứng viên cũng là vấn đề "nóng". Điều này đã dẫn đến một thực tế rất đáng quan ngại là tình trạng công chứng sai, bản công chứng bị các cơ quan chức năng phủ nhận... ngày một nhiều hơn. Chưa kể không ít chuyện đáng buồn như công chứng viên của một số văn phòng cầm theo con dấu đến gõ cửa doanh nghiệp để "xin việc"; rồi trích hoa hồng sau mỗi "phi vụ" thực hiện công chứng...
Một vị lãnh đạo Bộ Tư pháp thừa nhận: Có bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến sai sót trong hoạt động; có hiện tượng cố ý làm trái, không tuân thủ quy trình, cạnh tranh không lành mạnh... Vị lãnh đạo này không phủ nhận ý kiến cho rằng hoạt động của các văn phòng công chứng đang bị thả nổi. Nguyên nhân là do tư duy quản lý, công tác quản lý chưa theo kịp sức phát triển "nóng" của nghề công chứng trong xã hội hiện tại... Và, một vấn đề nữa không thể không nhắc tới là Luật Công chứng còn có điểm vênh với hệ thống luật pháp có liên quan (Luật Đất đai, Luật Nhà ở) đã và đang kéo theo không ít bất cập.
Tất cả những vấn đề nêu trên dẫn đến một thực trạng là người dân vừa phải trả chi phí cao, vừa không được bảo vệ pháp lý cho các giao dịch dân sự. Do vậy, việc Quốc hội đưa ra xem xét. Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn sẽ tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành các giải pháp quản lý, góp phần chấn chỉnh hoạt động công chứng và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh ngày một nhiều ở lĩnh vực này.