Sẵn sàng cho những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tuyển sinh - Ngày đăng : 14:10, 28/05/2014

Với những thay đổi về lịch thi, thời gian thi... các tỉnh, thành phố đã lên nhiều phương án để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, cũng như nhằm giảm bớt những bất cập dự kiến xảy ra trong những ngày thi.

Tại cuộc họp của Sở GD-ĐT TP.HCM với lãnh đạo các hội đồng coi thi (HĐCT) tốt nghiệp THPT sáng 27-5, ông Hồ Phú Bạc - trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM - đề nghị các chủ tịch HĐCT lên phương án bố trí các phòng thi cho phù hợp vì năm nay không như những năm trước. Danh sách thí sinh sẽ dán trước cửa phòng thi theo môn thi cho thí sinh tiện theo dõi và tránh nhầm lẫn.

TP.HCM: tránh gây áp lực cho thí sinh

Ông Hồ Phú Bạc cũng yêu cầu các HĐCT tổ chức lễ khai mạc ngắn gọn: “Cần yêu cầu thí sinh không khảo bài nữa, để dành thời gian nghe phổ biến về quy chế thi. Giám thị nên có thái độ dịu dàng, bình tĩnh, tránh gây áp lực tâm lý cho thí sinh. Nên lấy việc nhắc nhở, ngăn ngừa là chính”.

Học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Trí Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM) chuẩn bị cho kỳ thi - Ảnh: Như Hùng


“Những trường THPT có thí sinh khuyết tật phải gửi giấy xác nhận tình trạng khuyết tật về sở trước ngày 31-5 để kiểm tra xem có hợp lệ hay không. Khi xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, các HĐCT lưu ý phải có bằng chứng và yêu cầu thí sinh ký tên vào biên bản” - ông Bạc lưu ý.

Theo ông Bạc, đối với thí sinh đến muộn (thời gian đến muộn tính từ khi thí sinh đến cổng trường thi) không quá 15 phút, sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ được sắp xếp thi tại phòng thi dự phòng. Nếu quá 15 phút thì không được thi. Môn thi đầu tiên thí sinh có mặt tại HĐCT lúc 6g30, các môn sau thí sinh có mặt tại HĐCT trước giờ nhận đề thi 30 phút.

Đối với thí sinh đến nhầm HĐCT có thể lập biên bản và cho vào thi nhưng chỉ giải quyết cho thi môn đầu tiên là ngữ văn. Tuy nhiên, nếu thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên mà đến nhầm HĐCT không có hệ giáo dục thường xuyên thì cần hướng dẫn thí sinh đến HĐCT gần nhất: “Tốt nhất là HĐCT nên cử người chở thí sinh đi cho bảo đảm. Điều này những năm trước các HĐCT từng làm” - ông Bạc nói.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - chỉ đạo: “Các HĐCT nên phân công phó chủ tịch HĐCT phụ trách cơ sở vật chất trực ở cổng hội đồng để nhanh chóng giải quyết các trường hợp thí sinh đi muộn (nếu có). Cần giáo dục học sinh ngay tại trường mình về tình trạng một số học sinh mang đề cương ôn thi vào HĐCT rồi khi thi xong lại không mang về, các em vứt đề cương bừa bãi trong sân, ngoài cổng HĐCT khiến nhiều người lầm tưởng là phao thi”.

Năm nay TP.HCM có 65.795 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại 93 HĐCT.

Dựng nhà bạt làm nơi nghỉ cho thí sinh

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 27-5, ông Nguyễn Hiệp Thống - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đông nhất nước với trên 76.000 thí sinh, dự thi tại 149 HĐCT. Gần 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động tham gia kỳ thi, trong đó có 13% là giáo viên THCS. “Chúng tôi đã có 20 đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi. Tới giờ phút này có thể khẳng định Hà Nội đã đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất và lực lượng phục vụ kỳ thi” - ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết.

Trả lời PV về phương án đảm bảo sức khỏe, an toàn cho thí sinh, tránh tình trạng rối loạn trong thời điểm giao nhau giữa các ca thi/buổi, ông Ngô Văn Chất - trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) - cho biết: Hà Nội đã chỉ đạo 100% hội đồng thi phải bố trí phòng cho phụ huynh, học sinh nghỉ ngơi chờ tới giờ thi hoặc nghỉ ngơi giữa hai ca thi. Tại một số HĐCT không có đủ phòng trống phục vụ thí sinh và phụ huynh, lãnh đạo HĐCT đã kêu gọi các trường tiểu học, THCS trên địa bàn hỗ trợ cho mượn địa điểm làm nơi nghỉ ngơi.

“Qua kiểm tra, chúng tôi thấy các HĐCT đã xây dựng phương án cụ thể. Hầu hết trường đều “phân luồng” học sinh giữa các ca thi bằng cách phân chia học sinh ra vào theo cổng, lối đi khác nhau. Ca thi 1 vừa hết giờ làm bài thì các HĐCT mới cho thí sinh ca 2 vào phòng chờ, được cách ly và tăng cường bảo vệ giám sát để chuẩn bị vào thi ca 2. Để tránh lộn xộn, chúng tôi đã quy định giờ rất cụ thể đối với từng khâu, từng công việc thuộc trách nhiệm của giám thị, thanh tra và các bộ phận khác trong trường thi” - ông Chất cho biết.

Theo một số giáo viên ở Hà Nội, ngoài việc phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, lực lượng tham gia coi thi, thầy cô giáo còn phải chuẩn bị tâm lý cho những thí sinh dự thi những môn có quá ít thí sinh dự thi. “Phòng thi có 1-2 em thi, tâm lý của các em có thể sẽ căng thẳng hơn phòng thi có đông thí sinh. Vì thế chúng tôi nhắc nhở các thí sinh phải hết sức bình tĩnh. Chúng tôi cũng được lãnh đạo HĐCT lưu ý về việc tránh gây áp lực căng thẳng không cần thiết cho các em” - một giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết.

Theo HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ