Quốc hội thảo luận Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Chính trị - Ngày đăng : 09:40, 28/05/2014

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho hoạt động kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần xây dựng trong mối quan hệ tổng thể với các văn bản luật khác, để tạo nên cơ chế pháp lý đồng bộ, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp (DN).

Luật Doanh nghiệp 2005 dù được coi là bước tiến rất dài, giúp tăng sự bình đẳng cho các loại hình DN cũng như thu hẹp khoảng cách giữa quy định pháp lý của Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, thực tế gần 10 năm áp dụng cho thấy, vẫn còn một số điểm quy định cần phải sửa đổi để đảm bảo tính chủ động cho DN cũng như sự chặt chẽ, phù hợp về kinh tế cho các giao dịch phát sinh của DN.

Thực tiễn cuộc sống cho thấy, các cơ hội kinh doanh luôn xuất hiện trong quá trình hoạt động của mỗi DN. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, DN phải “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Để tuân thủ quy định này và không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh chưa thuộc phạm vi ngành nghề đã đăng ký thì DN phải tiến hành đăng ký bổ sung ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005, các chuyên gia cho rằng, cơ quan soạn thảo cũng phải xem xét đồng thời với dự án sửa đổi Luật Phá sản hiện nay để tạo ra một cơ chế đồng bộ cho việc phá sản, sắp xếp và tái cấu trúc các DN thông qua cơ chế sáp nhập.

Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, dự án Luật gồm 7 Chương, 63 Điều, trong đó đáng chú ý là các quy định về quản lý vốn Nhà nước tại DN.

Mục tiêu xây dựng dự án Luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại DN trên cơ sở kế thừa những quy định dưới luật đã ban hành có liên quan đang thực hiện ổn định và có hiệu quả, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý đối với DNNN.

Bên cạnh đó, phân định quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN, đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại DN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý DN.

Luật cũng nhằm khắc phục việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào DN.

Theo Lê Sơn