Luật sư đề nghị tuyên Nguyễn Đức Kiên vô tội

Pháp đình - Ngày đăng : 09:06, 28/05/2014

(HNMO) -  Hôm nay, ngày thứ 8 diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và 8 bị cáo khác, các luật sư tiếp tục tập trung bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi “trốn thuế”.


Đây là ngày thứ 8 diễn ra phiên xét xử sơ thẩm.

8h25, tòa tiếp tục làm việc với phần tranh luận tại tòa. LS tập trung bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi “trốn thuế”. LS chất vấn VKS chứng cứ nào cho thấy Nguyễn Đức Kiên ký hợp đồng ủy thác nhằm mục đích trốn thuế; xác định cơ quan điều tra có quyền xác định hợp đồng ủy thác đó có hợp pháp hay không; văn bản trả lời của Tổng cục Thuế có phái là chứng cứ hay không. LS cũng đặt câu hỏi về quá trình giám định tài chính đối với hành vi ủy thác đầu tư tài chính giữa B&B và Nguyễn Thúy Hương; Chi cục Thuế Đống Đa có phải là nguyên đơn dân sự hay không…

Để bào chữa về hành vi “kinh doanh trái phép”, LS Hoàng Đôn Hùng bảo vệ quyền lợi của Nguyễn Đức Kiên cũng trình chứng cứ là đăng ký kinh doanh của một số doanh nghiệp nhằm bảo vệ quan điểm rằng nhiều doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh không có nội dung đầu tư tài chính nhưng thực tế có hoạt động góp vốn, mua bán cổ phần.

Về hành vi “trốn thuế”, luật sư đưa ra một số văn bản do B&B gửi cơ quan Thuế để tìm hướng dẫn về việc thực hiện pháp luật về thuế.

Về chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu tại ACB, LS cho rằng quyết định của Thường trực HĐQT ACB là một quyết định bình thường, không nêu về chủ trương mua cổ phiếu của ACB. Mối quan hệ hợp tác giữa ACBS và ACI, ACI-HN phù hợp với pháp luật, ACBS không thực sự mua cổ phiếu của ACB. Cơ quan kiểm toán PwC cũng cho rằng không có dấu hiệu bất hợp pháp trong các hợp đồng hợp tác này. Mối quan hệ giữa các ngân hàng liên quan là quan hệ liên ngân hàng bình thường.

LS cho rằng nếu truy tố các hoạt động này thành tội danh “cố ý làm trái” là can thiệp vào công việc kinh doanh bình thường, gây rối loạn môi trường hoạt động của các doanh nghiệp. LS cho rằng, tài sản mà VKS cho rằng đã mất thì ACB, ACBS vẫn đang sở hữu và vẫn đang thụ hưởng. Đại diện ACB cũng xác định là ngân hàng này không có thiệt hại gì trong việc ACBS hợp tác với ACI, ACI-HN. Về việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền cho ngân hàng khác, LS Hoàng Đôn Hùng cho rằng không vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng 2010 vì không có văn bản nào cho rằng điều luật này phải thực hiện sau khi có hướng dẫn của NHNN. Ủy ban Thường vụ QH mới là cơ quan có quyền giải thích luật (về Điều 106 Luật CTCTD) chứ không phải NHNN. NHNN cũng không có kế hoạch hướng dẫn Điều này. LS đề nghị tìm hiểu tính pháp lý của công văn mà NHNN trả lời cơ quan điều tra về nội dung này và cho rằng công văn này không có giá trị buộc tội. VKS đã vội vàng kết luận khi không thẩm vấn các cá nhân, tổ chức liên quan…

Về khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt, LS cho rằng đó là số tiền của VietinBank, do các cá nhân gửi tại VietinBank chứ không phải Huyền Như chiếm đoạt của ACB. Việc VietinBank không chịu trách nhiệm về số tiền bị chiếm đoạt gây mất lòng tin của người gửi tiền. LS cáo buộc cách thức quản lý của VietinBank quá sơ hở nên để Huyền Như chiếm đoạt tiền. Sai phạm của VietinBank là nguyên nhân trực tiếp để Huyền Như phạm tội.

Về vụ án này, LS cũng cho rằng đây không phải là vụ án “tham nhũng”, các tội danh được truy tố không thuộc nhóm tội danh “tham nhũng”, các bị cáo không tư lợi cá nhân. Việc quy kết đây là án “tham nhũng” gây bất lợi cho các bị cáo.

LS Hoàng Đôn Hùng.


Kết thúc phần bào chữa của mình, LS Hoàng Đôn Hùng kiến nghị khởi tố vụ án thiếu tinh thần trách nhiệm tại NHNN, cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN. LS cũng đề nghị tuyên Nguyễn Đức Kiên vô tội.

9h20': LS Vũ Xuân Nam bảo vệ bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bào chữa cho bị cáo về tội danh “cố ý làm trái”. Về nội dung cơ quan điều tra cho rằng Kiên có vai trò chính trong việc điều hành ACB, cụ thể là việc ủy thác nhân viên gửi tiền và việc ACBS hợp tác mua cổ phiếu của ACB, LS cho rằng vai trò của Nguyễn Đức Kiên từ năm 2008, Kiên đã chủ động rút lui khỏi HĐQT ACB. Hội đồng sáng lập (Nguyễn Đức Kiên là phó chủ tịch) có nhiệm vụ tư vấn. Việc thành lập HĐSL là đúng pháp luật, điều lệ của ACB về bộ máy giúp việc. Không có chứng cứ nào về việc bị cáo Kiên gây sức ép thành lập HDDSL và gây sức ép với HĐQT. HĐSL và HĐ đầu tư không phải là thành phần trong bộ máy pháp định của ngân hàng nên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phải là chủ thể hành vi “cố ý làm trái”. Việc Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến, ý tưởng không thể coi là hành vi vi phạm pháp luật…

Về chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác, cơ quan điều tra cho rằng bị cáo Kiên gây sức ép với lãnh đạo ACB thực hiện hoạt động này và cho rằng hoạt động này là vi phạm pháp luật. LS Vũ Xuân Nam cho rằng việc ủy thác này đã được ACB thực hiện từ năm 2005. LS cho rằng cơ quan điều tra đã sai lầm trong việc xác định khách thể của hành vi vì hoạt động ủy thác này không phải hoạt động liên quan đến hoạt động ngân hàng.

9h50': Tòa nghỉ giải lao.

10h10': Tòa tiếp tục làm việc. LS Vũ Xuân Nam tiếp tục trình bày phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên

LS tiếp tục đưa ra những luận điểm về việc VietinBank quản lý sử dụng số tiền của nhân viên ACB gửi. Sau khi nhân viên ACB chuyển tiền, VietinBank vẫn lập ra các thẻ tiết kiệm, không thông báo cho khách hàng… LS cho rằng không thể quy trách nhiệm quản lý thẻ tiết kiệm cho nhân viên ACB; VietinBank đã đổ lỗi cho khách hàng; coi Huyền Như như không phải là nhân viên của VietinBank…

10h45': LS Ngô Huy Ngọc của Nguyễn Đức Kiên bào chữa về hành vi “trốn thuế”. Quan điểm của LS là Nguyễn Đức Kiên không có vi phạm nào liên quan đến 9 nội dung được quy định tại luật để xác định hành vi “trốn thuế”. LS cũng cho rằng Kiên không có lời khai về việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư từ B&B sang Nguyễn Thúy Hương. LS cho rằng việc VKS quy kết các hành vi là quá ít khách quan.

LS cho rằng trình tự phát hành các hợp đồng giữa B&B và Nguyễn Thúy Hương và ACB là hợp lý, hợp pháp, có hiệu lực, không “trá hình”. Giao dịch giữa Nguyễn Thúy Hương và B&B, giữa B&B và ACB là độc lập. Các cơ quan giám định không đủ tài liệu, căn cứ để xác định vi phạm nghĩa vụ thuế của B&B năm 2009… Do vậy, căn cứ của VKS để buộc tội “trốn thuế” đối với Nguyễn Đức Kiên không đủ yếu tố để xác định. LS cho rằng các doanh nghiệp của bị cáo Kiên hằng năm đóng góp rất nhiều tiền thuế nên không có động cơ dẫn đến việc trốn 25 tỷ đồng tiền thuế… LS đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Đức Kiên không phạm tội “trốn thuế”.

11h05': LS Phạm Danh Tín bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ trình bày quan điểm, cho rằng không đồng ý với cáo buộc, luận tội của VKS vì cáo buộc đó chưa hội đủ cơ sở pháp lý. LS cho rằng ý thức và hành vi của Lê Vũ Kỳ và thiệt hại của vụ án không thỏa mãn các ràng buộc pháp lý để cấu thành tội “cố ý làm trái”. Thời điểm ký nghị quyết ngày 22-3-2010 về việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền thì Luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực. Hậu quả của hành vi này là số tiền 718 tỷ đồng bị mất đang được xét xử tại một vụ án khác (Huỳnh Thị Huyền Như) nên chưa đủ căn cứ để xác định hậu quả. Việc số tiền trên bị mất không phải là hậu quả trực tiếp của việc ủy thác gửi tiền mà là hậu quả của việc Huyền Như lừa đảo. Về việc thực hiện chủ trương mua cổ phiếu ACB, LS cho rằng ACBS và ACB không có thiệt hại.

Thành Tâm