Cú sốc trên chính trường Châu Âu
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:57, 28/05/2014
Mặc dù, các đảng trung hữu và trung tả ủng hộ hội nhập Châu Âu vẫn kiểm soát khoảng 70% trong tổng số 751 ghế của Nghị viện Châu Âu. Trong đó, đảng Nhân dân Châu Âu trung hữu do cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker dẫn dắt đứng đầu với 212 ghế và ông này tuyên bố sẵn sàng đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) khóa mới. Các đảng Xã hội trung tả do Chủ tịch EP sắp mãn nhiệm Martin Schulz lãnh đạo đứng vị trí thứ hai với 186 ghế. Trong khi đó, các đảng cực hữu có tư tưởng phản đối đồng euro, phân biệt chủng tộc, bài ngoại và Do Thái, chống nhập cư giành được hơn gấp đôi số ghế so với nhiệm kỳ trước và đứng vị trí thứ ba với 141 ghế. Các đảng Bảo thủ và cực tả lần lượt giành được 44 và 43 ghế.
Bà Marine Le Pen vừa giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử EP tại Pháp. |
Chiến thắng gây chấn động và quan ngại nhất trong cuộc bầu cử EP lần này thuộc về Mặt trận Dân tộc (FN) của Pháp và đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) khi cả hai cùng chiếm vị trí số 1, vượt qua hai chính đảng truyền thống lớn nhất tại nước họ. Tại Pháp, FN giành tới 26% số phiếu ủng hộ, so với 20,6% của đảng Bảo thủ đối lập (UMP) và 13,8% của đảng Xã hội (PS) cầm quyền. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã phải thốt lên rằng, thắng lợi của FN "còn lớn hơn một lời cảnh báo, đó là một cú sốc, một cơn địa chấn chính trị". Tổng thống Francois Hollande đã triệu tập cuộc họp Chính phủ khẩn cấp ngay trong ngày 26-5 mà báo chí Pháp gọi là "cuộc họp khủng hoảng". Sự thắng thế của nữ lãnh đạo FN Marine Le Pen trong "phép thử" Châu Âu này dự báo sẽ tạo động lực để bà thừa thắng xông lên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2017, hoàn thành giấc mơ của người cha Jean-Marie Le Pen vốn đã suýt làm nên nghiệp lớn năm 2002.
Tương tự, thắng lợi vang dội của UKIP ở xứ Sương mù (giành được 27,5% phiếu bầu so với 25,4% của Công đảng đối lập và 24% của đảng Bảo thủ cầm quyền) đang đẩy nước Anh đến gần hơn ngày phải tổ chức trưng cầu dân ý rút khỏi EU với kết quả khó lường. Với những gì mà UKIP vừa làm, chắc chắn nhà lãnh đạo đảng này - ông Nigel Farage sẽ hướng tới chức Thủ tướng Anh. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1906, một chính đảng không phải là đảng Bảo thủ hay Công đảng giành thắng lợi tại một cuộc bầu cử toàn quốc ở Anh. Ngay lập tức, Thủ tướng Anh David Cameron đã có hàng loạt cuộc điện đàm với lãnh đạo 6 nước Châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel để thuyết phục về sự cấp thiết phải cải cách Liên minh Châu Âu (EU) gồm 28 nước thành viên. Phát biểu với Tổ hợp truyền thông Anh BBC, ông D.Cameron khẳng định: "Tôi nhận được một thông điệp rất rõ ràng, đó là người dân đang mất lòng tin sâu sắc với EU và không cảm thấy các thỏa thuận hiện nay mang lại lợi ích cho nước Anh".
Mặc dù, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố, với khả năng EPP và các đảng Xã hội có thể giành được khoảng 400 ghế duy trì liên minh đa số trong EP, cử tri EU đã có được sự "đồng thuận cơ bản" trong việc đối phó với những thách thức của khối; đồng thời, khẳng định vai trò không thể thiếu của liên minh trong cuộc định hình trật tự thế giới và bảo vệ các giá trị của EU. Nhưng, với cơn địa chấn chính trị mà cử tri Châu Âu đã tạo ra vào cuối tuần qua, các nhà kỹ trị Lục địa già phải nhìn nhận lại một sự thật rằng, tình trạng chia rẽ trong nội bộ Châu Âu là không thể lảng tránh.
Sự kiện các đảng cực hữu và theo xu hướng hoài nghi sự cố kết của một EU thống nhất giành thắng lợi ở một số quốc gia không chỉ đặt ra nhiều thách thức mới với liên minh cầm quyền hiện nay ở các nước có phong trào cực hữu; mà còn đòi hỏi các nhà lãnh đạo EU phải có những biện pháp khẩn cấp thúc đẩy cải cách hữu hiệu trên toàn bộ lục địa. Vì vậy, hơn bao giờ hết, vấn đề đoàn kết nội khối và việc đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân Châu Âu (nhất là trong cuộc bầu Ủy ban Châu Âu (EC) thời gian tới) sẽ là cuộc trắc nghiệm đầy khó khăn đối với các thủ lĩnh chính trị đương nhiệm tại cựu lục địa.