Trung Quốc có thể tiếp tục các hành động khiêu khích ở Biển Đông

Thế giới - Ngày đăng : 03:58, 28/05/2014

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế cho thấy Bắc Kinh có thể tiếp tục có các hành động tương tự gây bất ổn tại khu vực.


Trả lời phỏng vấn "Thời báo Tài chính" (Anh), Tổng thống Aquino cho rằng Trung Quốc đang khơi mào một động thái vô cùng nguy hiểm, có thể vượt quá tầm kiểm soát, gây tổn hại tới các mối quan hệ ngoại giao và có nguy cơ biến thành xung đột. Ông kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết. Ông cũng hối thúc các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng hơn về cách giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

* Theo Kyodo, ngày 27-5, Nhật Bản đã hối thúc Trung Quốc kiềm chế trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, sau khi xuất hiện các thông tin cho biết một tàu cá của Việt Nam đã bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển này hôm 26-5. Phát biểu họp báo tại thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: "Đó là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân. Quan trọng là các nước hữu quan phải kiềm chế hành động đơn phương và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế".

* Giới bình luận quốc tế khẳng định hành động đơn phương của Bắc Kinh là một bước đi sai lầm, làm tổn hại uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Báo "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" của Hong Kong mới đây đăng bài viết của nhà bình luận kỳ cựu Philip Bowring với tựa đề "Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông", trong đó nhấn mạnh cách hành xử của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông là hung hăng, ngạo mạn. Ông cũng cho rằng việc Trung Quốc phớt lờ các chứng cứ lịch sử, tăng cường những hành động gây hấn trên Biển Đông là nhằm phục vụ mục đích tuyên bố chủ quyền phi lý về "đường lưỡi bò" bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.

Đài TNHK cũng đánh giá rằng xét về mặt chiến lược, với việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ phải trả giá đắt về uy tín và thể diện quốc gia khi tự phơi bày bản chất bành trướng bất chấp trật tự và luật pháp quốc tế.

Tờ New York Times nhận xét vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển nằm gần Hoàng Sa trong ngày 1-5. Việt Nam đã khẳng định vùng biển nơi giàn khoan hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và tuyên bố cân nhắc khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Tờ báo cũng dẫn lời Dennis J.Blasko, cựu quan chức quân sự của tòa Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì nó có thể làm căng thẳng tình hình.

Các hãng tin lớn như BBC, AFP, Reuters đều đưa tin về sự kiện, đánh giá nó sẽ khiến tình hình trên Biển Đông tiếp tục leo thang căng thẳng.