Vi phạm tiếp diễn, chính quyền cứ thờ ơ
Đời sống - Ngày đăng : 21:40, 27/05/2014
Vi phạm tiếp diễn vi phạm
Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ là hệ thống thủy lợi liên tỉnh Hà Nội – Hà Nam, có nhiệm vụ chính là tiêu cho 107.530 ha của toàn bộ lưu vực và tưới cho khoảng 53.000 ha; trong đó, đặc biệc là nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực nội thành Hà Nội (khu vực phía tây) với diện tích gần 18.190 ha (nằm giữa bờ hữu sông Tô Lịch đến bờ tả sông Đáy... Thế nhưng, hàng năm mỗi khi bước vào mùa mưa bão, dư luận lại không khỏi lo ngại vì năng lực tiêu thoát nước ngày càng hạn chế của sông Nhuệ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do lòng sông ngày càng bị bồi lắng, thu hẹp bởi rác thải, phế liệu xây dựng, nhất là các công trình xây dựng...
Theo số liệu của Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, trong năm 2012, tổng số vụ vi phạm trên trục chính sông Nhuệ thuộc địa bàn Hà Nội và Hà Nam là 210 vụ. Trong đó trên địa bàn thành phố Hà Nội có 169 vụ vi phạm, cụ thể: huyện Từ Liêm xảy ra 64 vụ; huyện Phú Xuyên 26 vụ; huyện Ứng Hòa 24 vụ; quận Hà Đông 19 vụ; huyện Thanh Trì 16 vụ, huyện Thường Tín 14 vụ; huyện Thanh Oai 6 vụ. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam tổng số vụ vi phạm 41 vụ. Cụ thể mức độ vi phạm như sau: 18 vụ vi phạm xây dựng nhà cấp 3 trở lên trên đất không hợp pháp với tổng diện tích 916m2 (Hà Nội 17 vụ, diện tích 880m2; Hà Nam 1 vụ, diện tích 36m2); 46 vụ vi phạm xây nhà cấp 4 thuộc diện đất không hợp pháp, với diện tích 2.176m2 (Hà Nội 37 vụ, diện tích 2.155m2; Hà Nam 9 vụ, diện tích 21m2); 6 vụ vi phạm xây dựng xưởng trên đất không hợp pháp thuộc địa bàn Hà Nội với diện tích 714m2; 40 vụ dựng lều lán trên đất không hợp pháp với tổng diện tích 1232m2 (Hà Nội 33 vụ, diện tích 1.100m2, Hà Nam 7 vụ, diện tích 131m2)...
Cả một dãy nhà xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang sông Nhuệ (xảy ra vào năm 2013) tại xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) trên đường trục chính của xã mà không hề bị xử lý |
Thực trạng vi phạm như vậy, chính quyền các địa phương tuy có tiến hành giải tỏa, nhưng kết quả còn rất khiêm tốn và đáng lo ngại hơn là không có biện pháp ngăn ngừa nên vẫn để xảy ra tình trạng tái vi phạm, hoặc vi phạm mới. Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, trong năm 2013, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 202 trường hợp vi phạm hành lang trục chính sông Nhuệ (trong đó, huyện Từ Liêm có 150 trường hợp vi phạm; Hà Đông có 38 trường hợp vi phạm; huyện thanh trì có 10 trường hợp vi phạm; huyện thanh oai có 4 trường hợp). Còn tính riêng từ đầu năm 2014 đến hết tháng 4-2014, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 18 trường hợp vi phạm hành lang sông Nhuệ.
Sự thờ ơ của chính quyền cơ sở
Năm 2013, sau ảnh hưởng của cơn bão số 6, một lần nữa cho thấy năng lực tiêu thoát nước của hệ thống sông Nhuệ là khá thấp; đáng lo ngại, nhiều điểm bờ bao bị xuống cấp nghiêm trọng, rò rỉ và đứng trước nguy cơ bị vỡ... Thực trạng là vậy, nhưng tình trạng vi phạm hành lang sông Nhuệ vẫn cứ tiếp diễn, vi phạm cũ chưa được giải tỏa xong, hoặc giải tỏa chỉ mang tính hình thức, thì đã xảy ra tái vi phạm hoặc xuất hiện vi phạm mới.
Thành phố đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời lãnh đạo thành phố đã nhiều lần nêu rõ để xảy ra vi phạm, lấn chiếm hành lang sông Nhuệ thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các địa phương nơi có sông Nhuệ chảy qua. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã từng đánh giá, tình trạng lấn chiếm, bồi lắng trên sông Nhuệ là rất nghiêm trọng. Trên thực tế, theo quy định hiện hành, vai trò của đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi chỉ là phát hiện vi phạm, thông báo và phối hợp với chính quyền sở tại để lập biên bản, kịp thời ngăn chặn ngay khi mới phát sinh. Tuy nhiên, hầu hết chính quyền các xã đều buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ trước những trường hợp vi phạm hành lang sông Nhuệ trên địa bàn mình quản lý, không xử lý các công trình vi phạm ngay từ đầu cho dù đơn vị quản lý sông Nhuệ có thông báo.
Cần xử quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm lãnh đạo chính quyền địa phương nơi để xảy ra tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang sông Nhuệ |
Rõ ràng quy định trách nhiệm đã rõ, nhưng sao năm này qua năm khác tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép vi phạm hành lang sông Nhuệ cứ lặp đi lặp lại; giải tỏa chưa xong thì đã tái vi phạm hoặc xảy ra vi phạm mới. Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng, lâu nay việc xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương nơi để xảy ra vi phạm còn chưa thật sự nghiêm nên mới có tình trạng thờ ơ trước những trường hợp vi phạm; hoặc do không bị xử lý nghiêm trong khi vì động cơ khác nên chính quyền sở tại cứ làm ngơ cho các trường hợp vi phạm.
Mới đây, thành phố vừa phê duyệt bổ sung thêm nguồn vốn hơn 470 tỷ đồng (trong giai đoạn 2014 – 2016) cho dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước trục chính sông Nhuệ do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ làm chủ đầu tư. Nguồn vốn này được lấy từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Rõ ràng, để cải tạo, nâng cao năng lực tiêu thoát nước của trục chính sông Nhuệ cần một nguồn kinh phí rất lớn, trong đó kinh phí dành cho hỗ trợ giải tỏa mặt bằng hành lang sông Nhuệ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Bởi vậy, dù muộn còn hơn không, việc ngăn chặn, xử lý cương quyết các trường hợp vi phạm hành lang sông Nhuệ ngay từ khi mới phát sinh của chính quyền các địa phương là rất cần thiết.