Tán thành việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Chính trị - Ngày đăng : 16:25, 27/05/2014

(HNMO) - Chiều 27/5, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành với mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.


Trước khi đi vào thảo luận, các đại biểu đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự luật này.

Về việc mang thai hộ, báo cáo nêu rõ: việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ, hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật này. Nếu pháp luật không quy định thì do nhu cầu một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm, tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời không tránh khỏi phát sinh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật. Đồng thời, để quy định chặt chẽ tránh việc lợi dụng thương mại hóa, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi, sức khỏe của người mang thai hộ và điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra như đa thai, con khuyết tật, tai biến sản khoa... nhiều quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, cụ thể như sau:

Quy định cụ thể các điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;

Bổ sung các quy định cụ thể về thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó quy định việc các bên cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Luật định, quy định thỏa thuận phải được công chứng và bổ sung nội dung thỏa thuận về việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa;

Bổ sung quy định quyền của người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo pháp luật lao động và pháp luật bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất là 60 ngày kể từ ngày sinh để đảm bảo sức khỏe sau khi sinh. Đồng thời, người mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; quy định nghĩa vụ của người mang thai hộ phải giao con. Bổ sung nghĩa vụ tuân thủ quy định về thăm khám và các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai;

Bổ sung nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ y tế, quy định quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra, dù bên mang thai hộ chưa giao con cho họ, người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm xã hội được nghỉ hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; bổ sung quy định bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con, nghĩa vụ hỗ trợ cho người mang thai hộ để chăm sóc sức khỏe sinh sản; bổ sung quyền thừa kế theo pháp luật của con trong trường hợp người nhờ mang thai hộ chết;

Quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến việc mang thai hộ.


Thảo luận trực tiếp tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, hiện nay, tỷ lệ vô sinh của Việt Nam không hề nhỏ, nên quy định về mang thai hộ cũng là một hướng mở nhân đạo cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, không có khả năng sinh con vẫn thực hiện được quyền làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, đại biểu Thuyết cũng nhất trí, quy định này phải thật chặt chẽ để tránh thương mại hóa vấn đề này; bảo vệ quyền lợi của các bên, bảo vệ quyền của trẻ em.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cũng tán đồng chế định "mang thai hộ" lần đầu xuất hiện trong dự thảo luật sửa đổi. Bà Chi còn dẫn 2 trường hợp thực tế (là bạn của bà Chi) đều không có khả năng sinh con và khao khát có con. Một người thông qua đường dây "ngầm" nên bây giờ đã có đứa con hơn 1 tuổi. Một người không dám vì luật pháp chưa cho phép nên vẫn chưa thỏa mong ước làm mẹ. Bà Chi cho rằng đây là nhu cầu có thật trong xã hội và chính đáng.

Tuy nhiên, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) lại khá băn khoăn với quy định này. Theo đại biểu, Quốc hội nên cân nhắc kỹ, thậm chí tạm thời gác lại quy định về mang thai hộ.

“Qua tiếp xúc cử tri, có ý kiến cho rằng mang thai hộ tốn kém, ý kiến khác lại cho răng chỉ những cặp vợ chồng có điều kiện mới có thể thực hiện được…. Ý nghĩa nhân đạo đối với cha mẹ nhờ mang thai hộ đã rõ, nhưng ý nghĩa nhân đạo với đứa trẻ được sinh ra sẽ ra sao? Đứa trẻ sẽ như thế nào nếu sống trong điều kiện phức tạp như thế? Ngoài mẹ ruột, mẹ nuôi, bây giờ còn có thêm mẹ... mang thai hộ", đại biểu Hạnh chia sẻ.

Ngoài quy định về mang thai hộ, các đại biểu Quốc hội cũng cho nhiều ý kiến về quy định tuổi kết hôn hôn, Về quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; về chế định ly hôn, chế định ly thân...

Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Trong tờ trình, Chính phủ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI; giải quyết những bất cập hạn chế, tạo tiền đề cho dạy nghề phát triển mạnh.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật được cấu trúc thành 2 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, gồm 48 khoản là các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào Luật Dạy nghề và Điều 2. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm hướng dẫn thi hành.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề cơ bản giữ nguyên kết cấu, thực hiện sửa đổi, bổ sung 37 điều, bỏ 9 điều (trong đó có một chương) trên tổng số 92 điều của Luật Dạy nghề. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI); Nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập của Luật hiện hành; Nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các luật khác.

Vân An