Cơ quan chức năng đủng đỉnh, người dân… "kiên nhẫn" chờ

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:43, 27/05/2014

(HNM) -


Ngày 10-4-2007, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 1312/QĐ-UBND phê duyệt Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ quốc lộ 5 vào Khu công nghiệp Hapro. Ngày 9-8-2007, UBND thành phố tiếp tục có Quyết định số 3148/QĐ-UBND về việc thu hồi 155.183m2 đất tại các xã Phú Thị, Lệ Chi, Kim Sơn và Đặng Xá (huyện Gia Lâm), giao cho Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư, triển khai công tác thi công, mở rộng tuyến đường dài khoảng 7km nêu trên. Nhưng không biết vì lý do gì, mãi đến ngày 20-3-2012, UBND huyện Gia Lâm mới có Quyết định số 623/QĐ-UBND, kiện toàn nhân sự Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện công tác kiểm đếm, đền bù đối với 900 hộ gia đình có đất bị thu hồi trên địa bàn? Theo ông Dương Văn Tuấn, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Gia Lâm, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này là người dân ở các địa phương chưa đồng tình về giá đền bù, nhất quán về vị trí thu hồi đất và địa điểm tái định cư theo phương án do UBND huyện đề ra. Chính vì vậy, đến thời điểm này, trong số 168 hộ có đất bị thu hồi nằm trên địa bàn xã Kim Sơn, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mới chỉ phê duyệt được 34 phương án đền bù, còn lại 134 trường hợp chưa hoàn thiện được hồ sơ. Tại xã Lệ Chi, Hội đồng bồi thường cũng mới chỉ phê duyệt được 5 phương án trong tổng số 13 hộ gia đình có đất bị thu hồi ở khu vực phố Keo (cũ)…

Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thực tế, phóng viên được biết lý do khiến người dân bức xúc, có ý kiến phản ánh đến cơ quan báo chí lại không phải từ những nguyên nhân mà ông Tuấn nêu ra. Qua trao đổi với bà Nguyễn Thị Thuần, ông Nguyễn Chu Văn… những người dân có đất bị thu hồi tại khu cống Keo (xã Kim Sơn), chúng tôi được biết lý do, chủ yếu là Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện đã không nghiêm túc trong công tác kiểm đếm và chi trả tiền đền bù cho các hộ gia đình theo đúng kế hoạch mà hai bên đã thống nhất. Bằng chứng cụ thể ở đây là trong 34 hộ gia đình ở khu vực cống Keo, xã Kim Sơn, mặc dù đều có diện tích đất bị thu hồi gần như đồng đều (trên dưới 20m2), nhưng phương án đền bù của gia đình bà Nguyễn Thị Tảng (ở khu vực cống Keo) lại có giá "vênh" hơn 60 triệu đồng so với các hộ gia đình khác cùng khu vực. Đã thế, thỉnh thoảng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Gia Lâm lại "nghiên cứu", xây dựng vài phương án, rồi chỉ "túc tắc" chi trả tiền đền bù cho một số gia đình; những trường hợp còn lại thì cứ "kiên nhẫn" chờ đợi chưa biết đến bao giờ. Thậm chí, ngay cả với 34 hộ gia đình đã ký vào phương án đền bù, hỗ trợ GPMB tại xã Kim Sơn vào tháng 10-2013, nhưng hơn nửa năm nay vẫn chưa một gia đình nào nhận được tiền đền bù, hỗ trợ đối với diện tích và tài sản trên đất bị thu hồi. Và trong khi những gia đình kiên nhẫn chờ đợi đến lượt được giải quyết thì việc thi công, mở rộng tuyến đường vẫn được nhà thầu thực hiện rất khẩn trương... Tỏ ra bất bình, chị Nguyễn Thị Hương (ở khu vực cống Keo) đặt câu hỏi "Liệu có gì khuất tất trong việc sử dụng số tiền đền bù GPMB này, bởi không lý gì, một dự án thực hiện đã gần 5 năm… mà những hộ gia đình đã ký vào phương án đền bù vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù GPMB?". Còn bà Nguyễn Thị Là (ở khu vực cống Keo) lại không giấu được sự lo lắng, cho biết: "Do ảnh hưởng từ việc thi công kéo dài, mấy năm nay việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đã thế, hằng ngày các hộ gia đình còn phải hứng chịu đủ loại bụi, khí bẩn từ công trường, tuyến đường bay vào nơi sinh hoạt. Nếu chủ đầu tư không sớm chi trả tiền đền bù cho dân, lấy đất hoàn thiện dự án thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát khỏi tình trạng này? (!)".

Được biết, nguồn vốn để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ quốc lộ 5 vào Khu công nghiệp Hapro chủ yếu sử dụng từ ngân sách nhà nước. Và theo ông Dương Văn Tuấn, để tránh tình trạng dự án bị "tắc" quá lâu, gây bức xúc trong dư luận, vừa qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Sở Giao thông - Vận tải đã có công văn đề nghị thành phố cấp bổ sung 32 tỷ đồng để chi trả cho các hộ gia đình có phương án bồi thường GPMB đã được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt.

Không biết với tình trạng này, đến bao giờ quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi ở xã Kim Sơn mới được giải quyết?

Nguyên Hà