Bất cập trong quản lý đất đai: Hệ lụy của sự thiếu trách nhiệm (tiếp)

Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 27/05/2014

(HNM) - Dù việc xử lý cán bộ đã được thực hiện nghiêm túc và nhiều bài học được rút ra sau các vụ việc nhưng dư luận vẫn chưa hết bức xúc khi vi phạm quản lý đất đai vẫn tồn đọng kéo dài, chính quyền từ huyện đến cơ sở chậm thực hiện các kết luận thanh tra.

Xử lý thiếu kiên quyết

Qua làm việc với các cơ sở có vi phạm về quản lý đất đai, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định những cán bộ vi phạm đã được các cấp ủy xử lý nghiêm và đó là bài học đắt giá đối với sự buông lỏng quản lý. Ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, về sự việc xảy ra tại Trường THCS Ninh Hiệp, huyện đã nghiêm túc xử lý cán bộ, kỷ luật, điều chuyển hiệu trưởng và cán bộ UBND xã Ninh Hiệp. Dù hậu quả về tài chính không lớn nhưng đây là bài học sâu sắc vì dẫn đến việc đảng viên, nhân dân giảm sút lòng tin vào chính quyền. Tương tự, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2004-2011 bị kỷ luật cảnh cáo, riêng Chủ tịch UBND xã đã bị cách chức và 4 cán bộ khác bị cảnh cáo, khiển trách. Xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, một loạt cán bộ liên quan việc cho thuê ki ốt trái thẩm quyền đều bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức hoặc điều chuyển công tác.

Trên thực tế ở một số vụ việc, dù cán bộ bị xử lý nhưng việc khiếu kiện vẫn chưa dừng bởi chưa được giải quyết triệt để. Một trong những nguyên nhân là nhiều vụ việc do các cán bộ cũ gây ra nên một số lãnh đạo mới né tránh, hoặc muốn làm nhưng không có nguồn lực, vì phải giải tỏa, đền bù cho người dân những khoản kinh phí vượt quá khả năng… Chẳng hạn, vụ cho thuê trái thẩm quyền 10 ki ốt ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn: Suốt từ năm 2010 đến nay, UBND xã né tránh, không ngăn chặn vi phạm, lấy lý do hợp đồng chưa hết, khó khăn trong tổ chức cưỡng chế vì công trình kiên cố, tài sản lớn, không có tiền đền bù. Khó hiểu hơn, tháng 4-2014, UBND xã Tân Dân còn thống nhất đề xuất UBND huyện Sóc Sơn và UBND TP Hà Nội cho tồn tại đến khi hết thời hạn hợp đồng, sau đó chuyển khu đất sang đấu giá quyền sử dụng theo dạng đất xen kẹt khu dân cư. Trong khi đó, theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Tân Dân đến năm 2025, khu đất trên là quỹ đất giãn dân của một thôn trong xã.

Bảo đảm điều chỉnh quy hoạch theo quy định

Tại các buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, chính quyền các huyện và cơ sở đều khẳng định sẽ sớm chỉ đạo, thực hiện xử lý các vụ việc dứt điểm theo thẩm quyền. Riêng đối với huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo cho biết, UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND xã Tân Dân hủy ngay hợp đồng thuê thầu ki ốt vi phạm pháp luật; tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất nông nghiệp. Vụ việc của xã Phú Cường, huyện Ba Vì, hiện tại hộ nhận thầu là gia đình ông Nguyễn Văn Dũng không đồng ý với Thông báo số 03/TB-UBND yêu cầu HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu chấm dứt hợp đồng thầu khoán quỹ đất I ở đồng trũng (Đồng Mơ) trước thời hạn (2015) nên đã có đơn khởi kiện gửi TAND huyện Ba Vì. Chánh án TAND huyện Ba Vì Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, tòa đã thụ lý và sẽ tiến hành xử vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại chấm dứt hợp đồng kinh tế trước thời hạn đối với nguyên đơn ông Nguyễn Văn Dũng, tạo điều kiện để UBND xã Phú Cường thu hồi đất cho thuê trái pháp luật, trả lại ruộng cho nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa theo quy hoạch, góp phần ổn định tình hình địa phương.

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, sau giám sát, Ban Pháp chế đã có kết luận gửi các địa phương, trong đó yêu cầu các ngành, chức năng tham mưu cho UBND cùng cấp các biện pháp, chính sách tháo gỡ kịp thời, sớm ổn định tình hình, đặc biệt có giao thời gian cụ thể. Riêng hai vụ việc bức xúc ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn và xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Ban đã yêu cầu UBND các huyện xem xét, chỉ đạo cơ sở xử lý dứt điểm các vụ việc theo đúng thẩm quyền. Ban Pháp chế cũng đã đề xuất với UBND các huyện tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về công tác quản lý, sử dụng đất đai cho cán bộ cấp cơ sở, bởi các vụ việc bất cập đều bắt nguồn từ sự yếu kém trong quản lý, chưa nắm rõ các quy định của Nhà nước, nhất là Luật Đất đai. Ngoài ra, các địa phương cần công khai minh bạch các quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch bảo đảm quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận của nhân dân khi triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn…

Vũ Thủy