Phải quy trách nhiệm cá nhân khi để nợ đọng văn bản luật

Chính trị - Ngày đăng : 16:10, 26/05/2014

(HNMO) – Chiều 26/5, thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, các đại biểu đã nêu lại những tồn tại trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là tình trạng nợ đọng văn bản dưới luật.


Đánh giá chung, các đại biểu cho rằng, công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đã thông qua được Hiến pháp và 8 dự luật, 4 nghị quyết… nhưng vẫn còn những hạn chế mang tính bền vững như: vẫn còn những dự án luật không đảm bảo chất lượng, tiến độ được đưa vào trình; hồ sơ dự án luật gửi tới các cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội quá chậm; nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh không sát thực tế, gây khó khăn khi thi hành; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức…

“Báo cáo Chính phủ cần làm rõ, chỉ đích danh các cơ quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm, vì luật là công cụ để quản lý và điều hành đất nước, phát huy quyền làm chủ của người dân”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng nói.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học – Phú Yên cũng cho rằng, tình hình nợ đọng văn bản vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét, một số tồn tại hạn chế thậm chí còn trầm trọng hơn. Như vậy, nghị quyết của Quốc hội về chấn chỉnh nợ đọng văn bản chưa được Chính phủ thực hiện nghiêm túc, cần phải xem xét, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân liên quan.

Đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội cũng băn khoăn với tính khả thi của các dự luật đã được ban hành. Theo đại biểu, tình trạng luật chưa đi vào cuộc sống phải chăng là do việc tổng kết thực tiễn còn hình thức, chưa phát huy được trí tuệ tập thể, tổng thể của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; có biểu hiện lợi ích nhóm; pháp chế chưa được nâng cao, chưa thể hiện đầy đủ tinh thần thượng tôn pháp luật?

“Tôi đề nghị Quốc hội giao cơ quan giám sát thường xuyên việc ban hành các văn bản dưới luật, xử lý nghiêm và xác định trách nhiệm cá nhân của cơ quan có văn bản sai phạm pháp luật”, đại biểu Hà nói.


Đại biểu Lê Nam – Thanh Hóa cũng nhất trí, Quốc hội cần phải đổi mới xây dựng luật và chủ động hơn trong công tác này. Quốc hội hoàn toàn có khả năng đặt hàng các luật theo quy định của pháp luật, như vậy sẽ có được nhiều dự luật chất lượng hơn.

Để nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội kiên quyết chấn chỉnh tình trạng nợ luật, thay đổi cách thảo luận về luật tại Quốc hội, phải nhằm đi đến kết quả cuối cùng và ý kiến đại biểu Quốc hội phải là ý kiến quyết định, chứ không phải là ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham khảo.

Về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, các đại biểu cơ bản tán thành với tờ trình và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lưu ý, do thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII không còn dài, công tác xây dựng luật, pháp lệnh nên ưu tiên cho các dự luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp sửa đổi.

“Tôi đề nghị công tác xây dựng luật, pháp lệnh cần coi trọng 3 ưu tiên: ưu tiên dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; tạo đột phá về thể chế, nhất là đầu tư công và hành chính công, quyền và nghĩa vụ người dân; dự án luật đủ các điều kiện theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tránh tình trạng luật gây áp lực cho QH và chính phủ, không để cử tri lo lắng về hiệu quả và chất lượng của luật”, đại biểu Trương Văn Vở- Đồng Nai nói.

Đại biểu Vở cũng đề xuất, Luật Tổ chức chính phủ nên được xây dựng gắn với luật chính quyền địa phương; luật hoạt động giám sát quốc hội gắn với luật giám sát hội đồng nhân dân…

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị Quốc hội cần quan tâm xây dựng Luật Chính khách, Luật Biểu tình; bỏ Luật Dân số, Luật Cảnh vệ ra khỏi chương trình xây dựng luật năm 2014...

H.Vân