Cân nhắc rút ngắn thời gian xử lý doanh nghiệp phá sản
Chính trị - Ngày đăng : 11:20, 26/05/2014
Theo dự luật, doanh nghiệp (DN) được yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn trong những trường hợp sau đây: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp tạm ứng chi phí phá sản; Doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động kinh doanh bị thua lỗ đã được Nhà nước áp dụng biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn không phục hồi được. Kèm theo đơn yêu cầu, doanh nghiệp, hợp tác xã phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc phá sản. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo thủ tục rút gọn, Tòa án nhân dân xem xét và xử lý, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo thủ tục rút gọn và giải quyết phá sản.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, việc xử lý cho DN phá sản như quy định trên vẫn quá rườm rà về thủ tục, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Các đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Tây Ninh, Đinh Xuân Thảo–Hà Nội, Trần Thanh Hải – TP. Hồ Chí Minh, Trương Minh Hoàng – Cà Mau, Nguyễn Thành Bộ - Thanh Hóa nhận xét, việc thụ lý đơn xin phá sản đang mất nhiều thời gian cho mỗi khâu, cần phải được đổi mới theo tinh thần cải cách hành chính. Bởi nếu tính gộp thời gian cho từng khâu trong toàn bộ quy trình, thời gian để xử lý một DN phá sản từ khi tiếp nhận đơn đến khi hoàn tất có thể phải kéo dài tới 3 tháng.
Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh – TP. Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. Theo đại biểu Ánh, thời gian quy định cho từng quy trình như trong dự luật là thống nhất với các luật khác, từ khâu thụ lý ban đầu đến khâu giải quyết cuối cùng đều là thời gian tối thiểu, không thể rút ngắn hơn.
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến là tiêu chí xác định DN phá sản.
Các đại biểu Trần Xuân Hòa – Quảng Ninh, Phùng Đức Tiến – Hà Nam đề nghị, cần làm rõ tiêu chí xác định DN mất khả năng thanh toán, tránh chung chung, định tính như quy định trong dự luật, đánh đồng việc xác định DN mất khả năng thanh toán với không thanh toán được nợ đến hạn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP. Hồ Chí Minh cũng băn khoăn với triết lý về phá sản trong dự luật. Theo ông, khái niệm không thanh toán khác với không có khả năng thanh toán. Nếu không làm rõ, đơn xin phá sản sẽ nộp tràn lan và tòa án cũng khó khăn khi giải quyết vì các quy định không rõ ràng.
Chia sẻ sự lo lắng của nhiều đại biểu rằng luật này khi ra đời sẽ khiến DN phá sản nhiều hoặc lợi dụng để kiện tụng, đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định của dự luật đều rất chặt chẽ, hoàn toàn có đủ điều kiện để thông qua. Theo đại biểu Lịch, nếu chúng ta không sửa đổi như luật này thì không giải quyết được thực tế DN ”chết mà không chôn được”. Cách tiếp cận khả năng thanh toán của DN theo luật này là tiếp cận dựa trên dòng tiền.
”Luật này không phải khuyến khích DN phá sản mà tiếp cận theo hướng giúp DN lành mạnh hóa tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp”, đại biểu Lịch nói.
Chung quan điểm với đại biểu Lịch, đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị thông qua Luật phá sản tại kỳ họp này.