Bất cập trong quản lý đất đai: Hệ lụy của sự thiếu trách nhiệm

Chính trị - Ngày đăng : 04:31, 26/05/2014

(HNM) - Trong thời gian qua, sự bất cập trong quản lý đất đai, cụ thể là việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền của một số chính quyền cơ sở khiến gia tăng đơn thư vượt cấp kéo dài.



Đợt giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội mới đây đã làm rõ tình hình chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý vi phạm đất đai tại một số địa phương; đồng thời cũng chỉ ra những biện pháp tháo gỡ, xử lý nhằm sớm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Phát triển kinh tế trang trại là chủ trương đúng đắn nhưng một số địa phương đã không thực hiện tốt việc giao thầu khoán dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ảnh: Giang Sơn


4 vụ việc điển hình

Qua dư luận phản ánh và giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn tới bất cập trong quản lý đất đai, cụ thể là việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền ở một số địa phương là do chính quyền cơ sở thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Một số cán bộ cơ sở né tránh, ngại va chạm, thậm chí còn đề xuất với chính quyền cấp trên cho phép tồn tại, hợp thức hóa vi phạm.

Hàng loạt các vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn Hà Nội thời gian qua có nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém của đội ngũ chính quyền cơ sở, gây ra nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài tại các địa phương.

Vụ việc xử lý vi phạm đối với 10 ki ốt cho thuê và xây dựng trái phép tại khu Đồng Non, thôn Thanh Vân, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn là một ví dụ điển hình. Khu đất này có diện tích gần 500m2, nằm dọc ven đường quốc lộ 2, có nguồn gốc là quỹ đất công do UBND xã quản lý và theo quy hoạch phê duyệt là đất sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, năm 2010, UBND xã Tân Dân đã ký hợp đồng cho 10 hộ thuê thầu trái thẩm quyền khu đất trên với thời hạn thuê 5 năm (2010 - 2015) để sử dụng vào mục đích kinh doanh, đơn giá thuê là 20 nghìn đồng/m2, nộp một lần tại UBND xã. Đáng chú ý, khi ký hợp đồng giao thầu, UBND xã Tân Dân không có biên bản bàn giao ngoài thực địa cho chủ hợp đồng. Hiện tại, trong 10 ki ốt xây dựng thì 5 ki ốt đã xây thành nhà kiên cố cao quá 4m (theo quy định không được xây dựng công trình kiên cố cao quá 4m); đa số hộ thuê thầu đều cho thuê lại với giá từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/ki ốt. Bức xúc của người dân ở đây chính là, sai phạm đã rõ, đúng ra UBND xã phải chấm dứt hợp đồng thuê thầu. Nhưng từ năm 2010 đến nay, UBND xã Tân Dân né tránh, không ngăn chặn các vi phạm, lấy lý do hợp đồng chưa hết thời hạn, khó khăn trong tổ chức cưỡng chế vì công trình kiên cố, tài sản lớn, không có tiền đền bù…

Tương tự, tại các xã Vân Hòa, Phú Cường thuộc huyện Ba Vì, những hợp đồng ký sai thẩm quyền của chính quyền xã cũng là nguyên nhân khiến khiếu kiện về đất đai tại địa phương kéo dài nhiều năm nay. Cụ thể, tại xã Phú Cường, để tránh lãng phí tài nguyên đất, từ năm 2006 khi 59 hộ dân có đơn trả lại ruộng, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Chiểu đã ký hợp đồng thầu khoán cho một hộ gia đình đến năm 2015 và hợp đồng này đã được UBND xã ký xác nhận. Đến khi các hộ dân đòi lại đất với lý do chỉ trả ruộng đến năm 2013 thì Hợp tác xã Thanh Chiểu lại "vướng" do hợp đồng ký thầu khoán đến năm 2015 mới hết hạn, khiến mâu thuẫn phát sinh, các hộ dân liên tiếp có đơn khiếu kiện gửi các cấp. Còn ở xã Vân Hòa, cũng do sự yếu kém của đội ngũ lãnh đạo cơ sở nên chính quyền xã đã thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án không đúng trình tự quy định của pháp luật; tổ chức đấu giá đất không được cấp có thẩm quyền cho phép, thu tiền sử dụng đất trái quy định của pháp luật.

Một vụ việc khác xảy ra ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm cũng khiến nhân dân địa phương bất bình. Đó là năm 2013, lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, Ban giám hiệu Trường THCS Ninh Hiệp có văn bản báo cáo huyện Gia Lâm, xã Ninh Hiệp xin chủ trương xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng các gian nhà cấp 4 làm kho văn phòng phẩm phục vụ học sinh. Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán công trình, cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật, nhưng Trường THCS Ninh Hiệp đã bật "đèn xanh" cho Công ty Đại Hùng Phát tổ chức phá dỡ tường rào, thi công xây dựng 12 gian hàng mở cửa ra đường để kinh doanh. Trước vi phạm trên, UBND xã Ninh Hiệp và Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Gia Lâm đã kiểm tra công trình, lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng việc thi công. Tuy nhiên, không những không chấp hành, nhà trường và doanh nghiệp tiếp tục thi công hoàn thiện công trình. Sau thời gian dài để công trình vi phạm tồn tại, đến ngày 31-3-2014, UBND xã Ninh Hiệp mới yêu cầu chủ đầu tư thực hiện phá dỡ công trình.

Căn nguyên nào?

Trên đây là 4 vụ việc điển hình trong nhiều vụ vi phạm về quản lý đất đai ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội. Căn nguyên của các vụ việc trên đều do chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí có nơi còn làm ngơ, tiếp tay cho vi phạm. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, vụ việc ở Ninh Hiệp rõ ràng là Ban giám hiệu nhà trường và doanh nghiệp bắt tay nhau "nói một đằng, làm một nẻo", thiếu trung thực với cấp trên, cố tình xây dựng ki ốt kinh doanh, thu lợi; trong khi, UBND xã buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm lại thiếu kiên quyết, trì hoãn kéo dài thời gian xử lý, dẫn đến người dân bức xúc. Còn lý giải về việc cho thuê 10 ki ốt tại xã Tân Dân (Sóc Sơn), Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Tạ Văn Đạo cho rằng, khu đất ven quốc lộ 2 thuộc địa bàn xã Tân Dân là mảnh đất màu mỡ, nhận thức của cán bộ lãnh đạo xã giai đoạn đó hạn chế nên đã ký hợp đồng thuê thầu cho 10 hộ sử dụng đất vào mục đích kinh doanh trên quỹ đất nông nghiệp. Sai phạm đã rõ, đúng ra UBND xã Tân Dân phải quyết liệt xử lý, chấm dứt hợp đồng thuê thầu, đền bù cho các hộ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Nhưng, UBND xã Tân Dân né tránh, không ngăn chặn các vi phạm, lấy lý do hợp đồng chưa hết, khó khăn trong tổ chức cưỡng chế vì công trình kiên cố, tài sản lớn, không có tiền đền bù…

Tại huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Hoàng Văn Lộc trình bày nguyên nhân xảy ra vi phạm là do trước năm 2008, tỉnh Hà Tây (cũ) có chủ trương hỗ trợ các thôn xây dựng nhà văn hóa (mỗi nhà văn hóa hỗ trợ 100 triệu đồng), còn địa phương sẽ bố trí đất và vốn đối ứng để xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ở mỗi xã có đến hàng chục thôn nên việc ứng vốn xây dựng công trình cộng đồng gặp nhiều khó khăn, khiến cán bộ cơ sở phải "nghĩ cách" để có tiền xây dựng, vừa không bị cắt nguồn ngân sách của trên, địa phương lại có công trình sử dụng, chính quyền cơ sở có thêm thành tích báo cáo với chính quyền cấp trên. Tuy vậy, do nhận thức và cách làm của một số cơ sở về chủ trương này chưa đúng, dẫn đến hệ lụy vi phạm quản lý đất đai, đơn thư, tố cáo kéo dài, cán bộ bị kỷ luật, nhân dân giảm sút niềm tin vào chính quyền.

(Còn tiếp)

Vũ Thủy